Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao sự ổn định kinh tế của Việt Nam

(VOV5) - ADB đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời khẳng định sự hỗ trợ của ADB trong việc đẩy nhanh những cải cách cơ cấu và thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

Nhân chuyến thăm, làm việc hai ngày tại Việt Nam, chiều nay tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao chủ trì họp báo, thông báo những kết quả đạt được qua các buổi làm việc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Tại họp báo, ông Takehiko Nakao nhấn mạnh ADB đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời khẳng định sự hỗ trợ của ADB trong việc đẩy nhanh những cải cách cơ cấu và thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao sự ổn định kinh tế của Việt Nam - ảnh 1
Quang cảnh buổi họp báo

Chủ tịch Takehiko Nakao cho biết tại các buổi làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông đã nhấn mạnh Việt Nam duy trì được sự ổn định chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô, là hai yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế xã hội: Chính phủ Việt Nam đã được những thành tựu đáng kể trong ổn định kinh tế vĩ mô. Công cuộc cải cách của Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường cũng đạt những kết quả tích cực. ADB rất mừng khi hàng loạt Luật mới như luật đất đai, luật đấu thầu và một loạt các quy định khác đã ra đời và đi vào hoạt động. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó một lợi thế là bờ biển dài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng xét trên thực tiễn, ADB hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam, nắm bắt những cơ hội để phát triển và ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Để củng cố những thành tựu đạt được và khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đồng đều, ông Takehiko Nakao khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công. Việt Nam cũng cần phải thu được tối đa lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải thực hiện một cách có hiệu quả những luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác