Chiến lược quân sự mới của Mỹ: Mở rộng vai trò bảo vệ an ninh toàn cầu

(VOV5) - Ngày 1/7 vừa qua, Mỹ đã công bố bản Chiến lược Quân sự quốc gia mới dành cho năm 2015, theo đó nhấn mạnh sự chuyển dịch đối tượng tập trung chiến lược sang khu vực Thái Bình Dương. Đáng chú ý trong chiến lược này, Mỹ nhấn mạnh đến một số quốc gia đối thủ, là những mối đe dọa chính cho an ninh của Mỹ. Do đó, quân đội nước này cần can dự mạnh mẽ hơn, nhằm khẳng định trách nhiệm của một siêu cường trong việc bảo đảm trật tự, an ninh toàn cầu. 


Chiến lược quân sự mới của Mỹ: Mở rộng vai trò bảo vệ an ninh toàn cầu - ảnh 1


Chiến lược quân sự quốc gia 2015 được xây dựng 4 năm 1 lần trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia 2015. Chiến lược mới khẳng định Mỹ duy trì một nền quốc phòng có lực lượng quân đội được huấn luyện, trang bị tốt nhất thế giới; cam kết tăng cường bảo vệ an ninh trong nước; xây dựng một thế trận an ninh toàn cầu có thể huy động được tổng lực sức mạnh quốc gia; ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt, nhất là vũ khí hạt nhân; xây dựng một khả năng đối phó toàn cầu, hoan nghênh các nước lớn đang nổi lên nhưng cảnh báo sẵn sàng ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng. Chiến lược cũng đồng thời cảnh báo những thách thức ngày càng gia tăng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. 

Mở rộng vai trò bảo vệ an ninh toàn cầu

Chiến lược quân sự quốc gia 2015 do Lầu Năm Góc công bố ngày 1/7, dù nhấn mạnh Mỹ là quốc gia có các thế mạnh về công nghệ, năng lượng, đồng minh, tuy nhiên, tài liệu này cũng thừa nhận những ưu thế này đang đứng trên bờ vực thách thức. 

Chiến lược quân sự 2015 có nhiều điểm mới so với chiến lược năm 2011 và theo phân tích của các chuyên gia quân sự Mỹ những thay đổi đó là nhằm đáp ứng tình hình thế giới có nhiều biến động hiện nay. Một trong những điểm mới của Chiến lược này, bên cạnh các yếu tố phi quốc gia như tổ chức khủng bố cực đoan, thì yếu tố “quốc gia đối thủ” được Mỹ chỉ ra, trong đó Nga và Trung Quốc xếp đầu trong danh sách. Theo báo cáo này, Nga bị cáo buộc đã vi phạm hàng loạt thỏa thuận với các hành động quân sự, trong đó rõ ràng nhất là Hiệp ước Tên lửa tầm trung.  Về Trung Quốc,  Báo cáo chiến lược mới của Mỹ vạch rõ những hành động của Bắc Kinh thời gian qua đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc đã vi phạm các quy định và luật pháp quốc tế. Chưa kể, trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi Bắc Kinh giải quyết căng thẳng bằng cách hợp tác thì Bắc Kinh đáp trả bằng cách đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, hòng quân sự hóa các vị trí chiến lược trên Biển Đông.

Do vậy, Chiến lược quân sự quốc gia 2015 nêu rõ Mỹ sẽ tích cực phát triển các mối quan hệ với đồng minh để duy trì an ninh và hoà bình, nhấn mạnh quan hệ với NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xoay trục về châu Á, tập trung các khí tài cùng năng lực cho khu vực chiến lược này. Tình thế hiện nay đòi hỏi Lầu Năm Góc cần phải “nhanh nhẹn, đổi mới và hội nhập hơn” nhằm đối phó với những thách thức này, cũng như đáp ứng các nhu cầu của quân đội Mỹ để có thể tiếp tục duy trì khả năng can dự trên toàn cầu. 

Chuyển hướng trọng tâm chiến lược

Nếu như các chiến lược quân sự trước đây khẳng định trung tâm sự chú ý của Mỹ là không gian hậu Xô Viết thì ngày nay Châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong chiến lược này. Báo cáo chiến lược năm 2011 đã đề cập chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương nhưng phải đến báo cáo chiến lược quân sự lần này, nhiệm vụ của quân đội Mỹ mới được xác định cụ thể theo hướng mở rộng hơn. Không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ, đảm bảo ưu thế hơn đối phương, chiến lược nhấn mạnh bên cạnh bảo vệ an ninh nước Mỹ và các đồng minh, chiến lược mới còn mở rộng diện bảo vệ an ninh cho cả những đối tác và quốc gia không phải là đồng minh nhưng có lợi ích chiến lược chung với Mỹ. 

Tại Diễn đàn quốc tế thường niên về an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương mới đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định quyết tâm của Nhà Trắng xây dựng một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực, hỗ trợ các nước trên giải quyết những vấn đề của họ và đảm bảo sự ổn định và an ninh  trên lãnh thổ các nước đó. 

Mỹ là nước có mức ngân sách quốc phòng hàng năm khủng nhất thế giới với mức khoảng 600 tỷ USD, lớn hơn gấp nhiều lần bất kỳ nước nào khác. Trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là điều không có gì ngạc nhiên. Nhìn lại chiến lược quân sự của Mỹ 2015 có thể thấy rõ một điều: Tăng ngân sách quốc phòng cho các hoạt động tài trợ, thúc đẩy hợp tác quân sự ở khu vực… Nhìn lại chiến lược quân sự của Mỹ năm 2015 có thể thấy rõ một điều Mỹ luôn muốn khẳng định vị trí siêu cường số 1, không chỉ về kinh tế mà cả quân sự, đặc biệt là tiềm lực quốc phòng.

Phản hồi

Các tin/bài khác