Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UN Women: sự ghi nhận của quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

(VOV5) - UN Women Việt Nam đánh giá Việt Nam đã đạt được 4 thành tựu đáng chú ý kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Việt Nam vừa được tất cả các thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) đồng thuận bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Với việc được bầu vào Hội đồng Chấp hành UN Women, từ tháng 01/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là thành viên của Hội đồng Chấp hành, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào quá trình phê duyệt các kế hoạch, chương trình hoạt động cũng như các quyết định về hành chính, tài chính và ngân sách của UN Women.

Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UN Women: sự ghi nhận của quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam - ảnh 1Ngày 9-4 (theo giờ Mỹ), Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Ảnh: BNG

Chính phủ Việt Nam duy trì động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều năm

Bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là một trong những vấn đề được Việt Nam đặc biệt coi trọng và đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới.

UN Women Việt Nam đánh giá Việt Nam đã đạt được 4 thành tựu đáng chú ý kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Thứ nhất, Việt Nam đã tiếp tục tăng cường khuôn khổ chính sách và pháp lý về bình đẳng giới; trong đó có: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) 2022; Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019. Thứ hai, Việt Nam đã đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong chính trị tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, năm 2021, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26%, cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 25%. Thứ ba, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tỷ lệ này cao gần bằng với nam giới (72% đối với nữ, so với 82% đối với nam). Cuối cùng, tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã lần đầu tiên thông qua Chương trình Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và đã vượt mục tiêu đề ra về tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Còn theo Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2023, xếp hạng thế giới của Việt Nam về Bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trong số 146 quốc gia.

Thực tế hiện nay, tại Việt Nam, đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết: "Các nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được trẻ hóa, đang không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo, cán bộ và quần chúng nhân dân tín nhiệm. Nhiều chị em  đã phát huy tốt tiếng nói của giới nữ trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp".

Làm tốt vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UN Women

Trong nhiệm kỳ 2025-2027, UN Women sẽ thông qua một chiến lược toàn cầu mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, mà trong đó bình đẳng giới là trọng tâm.

Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UN Women: sự ghi nhận của quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam - ảnh 2Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: dangcongsan.vn

Theo bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, với thành tích và kinh nghiệm của 1 quốc gia có dân số đa dạng và văn hóa xã hội độc đáo, Việt Nam sẽ mang lại nhiều góc nhìn sâu sắc về thúc đẩy bình đẳng giới khi tham gia vào Hội đồng Chấp hành UN Women. Việt Nam có thể chia sẻ hành trình của riêng mình và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác trong những vấn đề liên quan. Bà Caroline Nyamayamombe khẳng định những đóng góp này là vô giá trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận và hợp tác đổi mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tinh thần đóng góp và chia sẻ của Việt Nam để thúc dẩy bình đằng giới cũng được thể hiện trong bài phát biểu của Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, tại New York, Mỹ. Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: "Xuyên suốt dòng chảy của thời đại, phụ nữ luôn là sứ giả của hòa bình và bác ái, là lực lượng không thể thiếu, có ý nghĩa quyết định trong mọi tiến trình hòa bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Vì vậy, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, những tiềm năng to lớn của phụ nữ cần được phát huy mạnh mẽ, hiện thực hóa bằng những cam kết và nguồn lực tương xứng. Trong tiến trình đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women hôm 09/04 vừa qua đã thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những đóng góp tích cực vào công tác điều hành của UN Women trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác