Đại thắng mùa Xuân 1975 và nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp

(VOV5)  Nhìn lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhiều cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử của Việt Nam tiếp tục khẳng định: Chiến thắng này là kết quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là tận dụng, nắm bắt thời cơ để đưa ra quyết sách kịp thời; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các quân chủng, binh chủng, các lực lượng và trên hết là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận toàn dân. 


Đại thắng mùa Xuân 1975 và nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp - ảnh 1

Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn (Ảnh tư liệu)


Căn cứ vào tình hình thực tế ở miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris năm 1973,  và sự chuẩn bị lực lượng cho các trận đánh lớn đã đến lúc chín muồi, ngày 4 tháng 3 năm 1975, quân và dân Việt Nam đã thực hiện chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 và nhanh chóng giành thắng lợi. Ngay khi chiến dịch này còn đang diễn ra, Bộ Chính trị đã họp, nhận định thời cơ, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trước mùa mưa năm 1975.

Nắm vững thời cơ chiến lược

Tiếp sau chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế- Đà Nẵng vào cuối những ngày tháng 3-1975 cũng toàn thắng. Các đơn vị, các lực lượng, toàn quân toàn dân nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là “nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết:  Đấy là đánh giá, nhận định tài tình, kịp thời, sáng suốt của Đảng, của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh khi thấy tình huống diễn ra thuận lợi hơn. Cho nên trọng điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có câu “thần tốc, thần tốc, táo bạo, táo bạo" chính là điều chúng ta xác định đây là dịp chúng ta thừa thắng xông lên.

Quân và dân Việt Nam lúc đó có thế trận vững, lực lượng mạnh, gồm các binh đoàn chủ lực, các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương, lực lượng chính trị quần chúng hùng hậu. Tất cả đã biến ý chí thành hành động, huy động mọi sức mạnh của các quân binh chủng, sự chi viện của hậu phương miền Bắc, sự chuẩn bị của tiền tuyến miền Nam cho chiến thắng. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhấn mạnh: Sự kết hợp sức mạnh tổng hợp là cả tổng công kích về quân sự và sự nổi dậy của quần chúng. Đấy cũng chính là độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nhờ chiến tranh nhân dân ấy đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, đấu tranh ngoại giao, vừa đánh vừa đàm, huy động sức mạnh của quần chúng thực lực tại chỗ và sự chi viện đắc lực của miền Bắc.

Nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp

Khát vọng cháy bỏng về hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của cả một dân tộc đã làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975.  Sau trận Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris đầu năm 1973, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, hậu phương miền Bắc tiếp tục dồn sức chi viện cho miền Nam. Bom đạn ác liệt nhưng đường Trường Sơn vẫn tiếp tục mở, đưa quân đội và xăng dầu, vũ khí, phương tiện…chuẩn bị cho đánh lớn. Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng từng bước, ở từng chiến lược, từng mặt trận và cuối cùng là chiến thắng ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, cựu  chiến binh tham gia cuộc Tổng tiến công này, cho biết: Kẻ thù tưởng chúng ta không còn gì, không còn lực lượng để có thể giải phóng miền Nam, nhưng mà như một sức mạnh Phù Đổng, từ trong lòng đất, từ trong lòng dân, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và cả những quân đoàn lớn từ Tây Nguyên xuống, từ Quảng Trị vào, từ Nam bộ lên, trong một thời gian rất ngắn để giải phóng toàn bộ miền Nam.

Trong cuộc tổng tiến công này, quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tốt hỗ trợ của quần chúng, của thanh niên xung phong cho các lực lượng quân đội. Các đòn tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực cơ động đã trực tiếp hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng, tiến tới nhanh chóng tiêu diệt địch, giành chính quyền. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Cuộc Tổng tiến công chiến lược này có tầm vóc lớn cả về quân sự và chính trị, về không gian và lực lượng, đã giành thắng lợi trong thời gian rất ngắn, ít tổn thất. Tất cả thể hiện tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược xuất sắc của  Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là trong tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, tạo thời cơ, nắm thời cơ và hạ quyết tâm giành thắng lợi./.

Phản hồi

Các tin/bài khác