Kinh tế VN đã vượt qua khủng hoảng và đang phát triển đúng hướng

Kinh tế VN đã vượt qua khủng hoảng và đang phát triển đúng hướng - ảnh 1

“Việt Nam đã sẵn sàng đi cùng sự phát triển của nền kinh tế thế giới” là điều được PhóThủ tướng Chính phủ VN Hoàng Trung Hải khẳng định tại “Hội nghị kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị Kinh tế đối ngoại VN 2012 lần này là dịp để Chính phủ Việt Nam chủ động đưa ra thông điệp về quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư; tuyên truyền về đường lối, những ưu tiên phát triển của Việt Nam sau Đại hội XI tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế; Giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế về những khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam… Tại đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời khẳng định Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách nền kinh tế, xây dựng đất nước và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại VN.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế thế giới, Việt Nam đã triển khai thành công các nhóm giải pháp về kinh tế, điều chỉnh mục tiêu từ tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội...

“VN lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của mình. Từ giải quyết khủng hoảng trong thời gian vừa qua, VN rút ra kinh nghiệm là mỗi quốc gia phải liên tục đổi mới; phấn đấu sử dụng sáng tạo và tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng cho các doanh nghiệp. Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện chính sách cải cách, đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ… VN sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng tôi xác định năm 2012 là năm bản lề cho việc tái cấu trúc nền kinh với ba khâu đột phá quan trọng là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tài chính ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… Thứ 3 là tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế thị trường – tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng hơn cho phát triển kinh tế.”      

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến và có điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam và để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao và cơ sở hạ tầng mang tính đột phá với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện các chính sách và xây dựng khung luật pháp nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, cùng chia sẻ rủi ro và tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn lâu dài và thành công ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Trong các giải pháp Chính phủ thực hiện thời gian tới không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ không lấy tăng trưởng làm mục tiêu ưu tiên bởi vì ổn định kinh tế vĩ mô là tạo ra môi trường ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tăng trưởng liên quan đến vấn đề việc làm, hiệu quả của đồng vốn, hiệu quả của doanh nghiệp.”


Kinh tế VN đã vượt qua khủng hoảng và đang phát triển đúng hướng - ảnh 2 

Trả lời thắc mắc của các đại biểu về sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam liệu có giảm tính hiệu quả của nền kinh tế và Việt Nam có kế hoạch gì trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Việt Nam hiện nay có trên 1000 doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ đang có kế hoạch cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để giảm còn 650 doanh nghiệp Nhà nước vào 2015. Mục tiêu cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là để khối doanh nghiệp này làm ăn có hiệu quả hơn và trong quá trình ấy tạo ra môi trường bình đẳng hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Có thể nói những bài học trong những năm vừa qua đã giúp Việt Nam có nhận thức rõ hơn về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nền kinh tế sẽ không phát triển nếu doanh nghiệp nhà nước không nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình. Hiện nay tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, khi giải quyết một vấn đề nào đó của doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn ưu tiên. Hiện giờ Chính phủ và các Bộ, ngành đã dần dần thay đổi được cái nếp tư duy cũ. Thủ tướng cũng coi việc đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là việc làm cần được coi trọng. Trong thời gian vừa qua một số chính sách và các giải pháp Chính phủ đưa ra thể hiện việc không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tôi đã nhiều lần đến Công ty Intel Việt Nam để xem họ cần giúp đỡ gì bởi chính những công ty có vốn đầu tư nước ngoài mạnh như Intel Việt Nam là động lực thúc đẩy và tái cơ cấu nền kinh tế.”

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định động lực thay đổi mạnh mẽ luôn xuất hiện sau những khó khăn và Việt Nam đang tích cực đổi mới, tái cơ cấu kinh tế nhằm tạo tiền đề nhanh chóng vươn lên sau khi kinh tế thế giới phục hồi. Việt Nam xác định 2012 là năm bản lề trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, gồm 3 nội dung chính: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng cùng đại diện các Bộ, Ngành đã trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như trình bày về phương hướng phát triển các ngành kinh tế của VN. Theo các các đại biểu quốc tế Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong thời gian tới, nếu biết phát huy tốt, Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-8%/năm, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đại biểu cũng đánh giá cao “tinh thần doanh nghiệp” của Việt Nam và cho rằng đây là cơ sở để Việt Nam xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển của Việt Nam trong con đường sắp tới. Các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, chính sách của Chính phủ trong việc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế và đều nhận định rằng các kế hoạch của Chính phủ đưa ra là rất đúng hướng, kịp thời và đúng thời điểm./.

Vĩnh Phong

Phản hồi

Các tin/bài khác