Ngoại giao Việt Nam: 70 năm kiên định đường lối đối ngoại hòa bình

(VOV5) - Đúng 70 năm trước, trong không khí cách mạng sục sôi của mùa thu tháng Tám, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/8/1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. 70 năm qua, cùng với các mặt trận khác, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới đến vị thế đàng hoàng của một quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn ở khu vực và quốc tế, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Ngoại giao Việt Nam: 70 năm kiên định đường lối đối ngoại hòa bình - ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị đại biểu đại diện các thế hệ cán bộ của ngành Ngoại giao.


Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của những cuộc trường chinh. Và trong cuộc trường chinh suốt 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Không chỉ bảo vệ thành quả cách mạng của Nhà nước Việt Nam non trẻ, mà còn góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Kiên định tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Từ năm 1945 đến nay, ngoại giao Việt Nam đã được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh tinh thần “làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai”. Nội dung cốt lõi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là tinh thần yêu chuộng hòa bình và đoàn kết với bạn bè quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế qua các giai đoạn phát triển, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong việc huy động những nguồn lực cho tái thiết đất nước và bảo vệ chủ quyền. 

Trong công cuộc Đổi mới, thực hiện đúng phương châm “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ”, Việt Nam đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đánh giá: "Việt Nam đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, thiết lập có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng lần lượt gia nhập các cơ chế đa phương quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các diễn đàn này".

Cũng nhờ luôn kiên trì đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thi hành chính sách đối ngoại mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa, ngoại giao Việt Nam đã góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Ngoại giao đã tích cực đóng góp vào việc tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, Việt Nam liên tục xuất siêu từ năm 2012 đến năm 2014, tiếp tục là điểm sáng ở Đông Nam Á trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với sự có mặt của trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới, trong đó nhiều tập đoàn đã và sẽ đặt “đại bản doanh” tại Việt Nam. Về điều này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier khẳng định: "Việt Nam hiện nay được công nhận là một trụ cột hòa bình của khu vực và thế giới. Không phải tôi nói một cách ngoại giao đâu mà sự thật là Việt Nam đã được ngợi ca trên toàn thế giới. Khi tôi hỏi các nhà đầu tư nước tôi họ đều khẳng định môi trường hòa bình và ổn định chính là sức hấp dẫn để họ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư".

Tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang không ngừng biến động. Trong một thế giới toàn cầu hóa với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia, hội nhập quốc tế đã trở thành sự lựa chọn khách quan và tất yếu. Làm sao để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và trên thế giới. Đóng vai trò đi trước, mở đường, Ngoại giao Việt Nam tiếp tục bám sát dòng chảy của thời đại, luôn nỗ lực hết sức mình để nâng cao vị thế đất nước, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 70 năm, có thể khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế chưa bao giờ cao như hiện nay, được các nước và trong khu vực ghi nhận. Vị thế của Việt Nam được đánh giá qua những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển đất nước, thành tựu trong việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ. Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam áp dụng chính sách ngoại giao hòa hiếu, nỗ lực gìn giữ sự ổn định khu vực trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các nguy cơ tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo đang nổi lên ngày càng gay gắt trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa cho rằng: "Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào một loạt các sáng kiến hợp tác khu vực. Việt Nam đã duy trì hòa bình với các nước láng giềng và hiện đang sử dụng các cơ chế quốc tế nhằm tìm ra giải pháp ngay cả cho vấn đề rất căng thẳng là vấn đề xung đột lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Cách tiếp cận của Việt Nam đã giúp gác lại quá khứ chiến tranh nghiệt ngã sang một bên, hợp tác với các nước xung quanh, xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Đây là một chiến thắng đáng kể của ngoại giao Việt Nam".

Là một quốc gia có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, tranh thủ các điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoại giao Việt Nam phát huy truyền thống 70 năm tiếp tục là lực lượng xung kích, đi đầu đưa đất nước hội nhập quốc tế toàn diện. 

Phản hồi

Các tin/bài khác