Ngoại giao kiến tạo phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước

(VOV5) - Năm 2016, bám sát thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, ngành ngoại giao Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.



Ngoại giao kiến tạo phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu xem một số hình ảnh về thành tựu đối ngoại của Việt Nam. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)


Không chỉ mở rộng quan hệ với tất cả các nước, Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Toàn ngành đã xây dựng phương hướng phát triển phù hợp với định hướng thiết lập một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính để đem về lợi ích tối đa cho đất nước. Năm 2017 hứa hẹn tạo những dấu mốc mới cho ngoại giao Việt Nam.

Có thể khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có cục diện quan hệ rộng lớn như hiện nay. Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, có ý nghĩa chiến lược và đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới từ tư duy đến cách làm. 

Không ngừng đổi mới tư duy công tác ngoại giao

Trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, ngoại giao Việt Nam không ngừng đổi mới tư duy quản lý trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, Tinh thần này được quán triệt, thấm nhuần và chuyển hóa thành những hành động cụ thể, sáng kiến cụ thể, kết quả cụ thể. Với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, đa phương, bắt nhịp với thời đại, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài thời gian qua luôn tìm tòi, làm tốt công tác tham mưu. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho rằng: "Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là tai, là mắt, là nhịp cầu kết nối đồng thời ngoại giao còn phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tôi cho rằng tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, cơ quan đại diện ngoại giao ở bên ngoài có tiếp xúc, đánh giá trực diện hơn. Nhiệm vụ của các cơ quan đại diện bên ngoài là phải thấy tận mắt sự thay đổi, sự phát triển của nước sở tại, từ đó đánh giá tình hình thế giới và khu vực, kịp thời nhanh chóng tham mưu trong nước, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chính sách đối ngoại".

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và sẽ chịu những tác động từ bên ngoài, phải đáp ứng những cam kết quốc tế đã tham gia. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh hơn bao giờ hết từ các cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp phải nắm rõ luật chơi, không để những kẽ hở của pháp luật nước sở tại để các nhóm lợi ích bên trong họ tận dụng. Ví dụ như vấn đề chống bán phá giá ở Hoa Kỳ suốt thời gian qua. Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục kết hợp thúc đẩy quan hệ chung về song phương đồng thời tạo ra sự mở rộng và thông thoáng đối với các hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam. Ví dụ khi chúng ta tham gia vào các hiệp định FTA mới với những điều kiện mở cửa thị trường thì rõ ràng thì cuộc đấu tranh của Việt Nam với việc công nhận quy chế thị trường phải nâng lên hơn nữa. Bộ ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao bên ngoài cần phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đồng thời khi có tranh chấp thì tham gia vào đấu tranh trong nhưng tranh chấp đó. Giữa các nhà đối ngoại, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn".

Nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam

Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 diễn ra tháng 9/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong giai đoạn mới, những nhà ngoại giao phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả: "Trong một thế giới đầy biến động, ngoại giao cần tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc Việt Nam. Hơn 70 năm qua, hoạt động đối ngoại đã xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tôi mong rằng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại thường xuyên nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc".

Thành bại của Ngoại giao tuỳ thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong "sức mạnh mềm". Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của Việt Nam, là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo, phát huy các giá trị văn hoá bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam để tạo nên "thương hiệu" cho quốc gia. 

Bên cạnh Chính phủ kiến tạo, ngành ngoại giao cũng đang nỗ lực kiến tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị - an ninh trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và toàn cầu, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phản hồi

Các tin/bài khác