Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng - ảnh 1
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

(VOV5) - Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban thường vụ QH nhìn nhận công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng năm 2012 đạt được kết quả tích cực, song tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại. Liên quan đến vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh mới đây khẳng định công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà nước VN đặt lên hàng đầu, với những giải pháp kiên quyết và mạnh mẽ.

Báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Chính phủ đánh giá: “tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm thất thoát tài sản của Nhà nước”. Liên quan đến điều này, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù công tác phòng chống tham nhũng đã được chú trọng một bước : “Trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, Đảng và Nhà nước cũng như các cấp các ngành cùng như toàn dân đã tập trung rất cao cho công tác phòng chống tham nhũng để đẩy lùi một bước tham nhũng. Cụ thể là trong năm 2012, đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ kê khai minh bạch tài sản cho đến trách nhiệm người đứng đầu và điều tra xử lý tham nhũng… thì có hiệu quả nhất định và được xác định là công cuộc phòng chống tham nhũng ở một số lĩnh vực đã được kiềm chế. Các cơ quan điều tra đã thụ lý  327 vụ, với 822 bị can, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 80 vụ và tăng hơn 200 bị can. Có thể nói rằng, quyết tâm chính trị và các giải pháp phòng ngừa, xử lý của Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành, của toàn dân chúng ta  hết sức tập trung”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng ở VN đã nổi lên những khó khăn, hạn chế và đó cũng có thể là một số nguyên nhân khiến tình hình tham nhũng hiện nay diễn ra nghiêm trọng. Đó là việc thể chế cơ chế chính sách phòng ngừa và xử lý tham nhũng còn nhiều hạn chế. Việc công khai, kê khai công khai minh bạch tài sản, việc chuyển đổi vị trí công tác hoặc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, việc mua sắm tài sản lớn của cơ quan nhà nước thông qua tài khoản… nhằm phòng chống tham nhũng đã được triển khai nhưng chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường triển khai thực hiện những biện pháp này để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Thứ nhất là phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở đơn vị, địa phương mình. Hai là phải tích cực đề ra một số chính sách gắn với cải cách thủ tục hành chính để làm sao thực hiện công khai, minh bạch một số thủ tục vẫn còn rườm rà, làm cho người dân phải đi lại nhiều lần, gây phức tạp, gây khó khăn, là mầm mống để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây ra tiêu cực, tham nhũng. Ba là hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng theo hướng mở rộng đối tượng kê khai, rồ công khai, kê khai tài sản như thế nào”.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức… theo các quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 của VN, đã phát huy tác dụng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Để công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) theo hướng mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn, bổ sung quy định về việc công khai tài sản tại nơi cư trú… sẽ được trình lên QH thông qua trong thời gian tới. Nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, khắc phục các khiếm khuyết của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ quản lý các cấp, cho thấy Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ công cuộc phòng chống tham nhũng nhằm xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác