Xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội

(VOV5) - Cuộc Hội thảo “Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội”, được tổ chức trong hai ngày 26-27/6 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ủy ban về các vấn đề xã hội (2/7/1976-2/7/2016). Hội thảo này cho thấy hơn 40 năm qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định vai trò tham mưu và đóng góp thiết thực vào những thành tựu quan trọng của sự phát triển thể chế chính sách xã hội ở Việt Nam. 


Xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có Ủy ban y tế và xã hội- tiền thân của Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ủy ban này đã góp phần đáng kể trong xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật xã hội bao gồm các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, dân số, chính sách ưu đãi người có công và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới... nâng cao hiệu quả thực hiện, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam.

Thúc đẩy các giá trị tiến bộ và công bằng xã hội vì con người       

Đích đến của mọi chính sách xã hội của Việt Nam đều nhằm xây dựng, phát triển và mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người. Từ những đạo luật, pháp lệnh ban đầu như Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, Pháp lệnh hợp đồng lao động, Pháp lệnh bảo hộ lao động, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ đã xây dựng được hệ thống pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực xã hội. Trên cơ sở đó, pháp luật lao động, việc làm, y tế, dân số, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng hoàn thiện, phạm vi bao phủ chính sách về ưu đãi người có công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm nghèo, bảo trợ xã hội… ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ từng bước được nâng lên phù hợp với tình hình kinh tế và khả năng ngân sách của đất nước trong từng giai đoạn. Từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, Việt Nam càng dành mối quan tâm mang tính chiến lược đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Mục tiêu và nội dung của chính sách xã hội mà Ủy ban về các vấn đề xã hội tham mưu xây dựng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Ủy ban đã chủ trì thẩm tra hàng chục đạo luật, trình ra Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiều báo cáo thuyết trình, báo cáo giám sát và các kiến nghị trực tiếp liên quan đến đời sống nhân dân về chính sách ưu đãi người có công, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách y tế, dân số, giảm nghèo, tôn giáo, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội… Chưa nói tới Ủy ban đã chủ trì nhóm nghị sĩ nữ đại biểu Quốc hội, khi đi vào  hoạt động rất hiệu quả". 

Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban các vấn đề xã hội đã nỗ lực thực hiện khối lượng công việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, của Quốc hội. Ủy ban đã thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hiến pháp và 40 dự án luật, pháp lệnh; tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách như lao động, việc làm, tiền lương, lao động di cư, người có công, bảo trợ xã hội… Trong hoạt động giám sát, Ủy ban đã chủ trì giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chính sách về giảm nghèo và chính sách ưu đãi đối với người có công… Từ kết quả hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát, nhiệm kỳ qua, Ủy ban đã góp phần xây dựng các chính sách quan trọng như chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm nguồn tài chính thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập; chính sách ưu đãi với người có công, thúc đẩy bình đẳng giới…

Tận dụng mọi nguồn lực để đưa chính sách vào thực tiễn

Bằng sự năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể và không ngừng đổi mới, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, mở rộng dân chủ hoạt động của Quốc hội và để lại những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Không chỉ trình Quốc hội các sáng kiến pháp luật và chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thông qua các dự án Luật; Ủy ban còn đi tiên phong trong các hoạt động tham vấn công chúng, tổ chức các phiên giải trình, các hoạt động về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Ủy ban. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, cho rằng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tận dụng mọi nguồn lực để đưa chính sách pháp luật vào thực tiễn: "Bài học chúng tôi rút ra là phải kiên quyết bảo vệ cho được ý tưởng cốt lõi trên cơ sở thực tiễn cuộc sống, đồng thời tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp. Chúng tôi cho rằng, đó là những cây đinh, phải đóng cho chắc, không rút những ý tưởng đó ra".

Thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội thông qua việc xây dựng chính sách đã góp phần nâng cao vai trò của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam trong suốt 40 năm qua. Điều này đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các giá trị công bằng và tiến bộ xã hội trong thời kỳ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Phản hồi

Các tin/bài khác