Cảm hứng từ một cuộc triển lãm

(VOV5)- Cuộc triển lãm có tên “Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” đã thực sự gây được nhiều cảm tình tốt đẹp của người xem.

Cảm hứng từ một cuộc triển lãm - ảnh 1
Cắt băng khai mạc triển lãm - Ảnh: KĐ

Đúng ngày 17-6 cách đây 58 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập. Cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng sáng lập ra nhà xuất bản này và ông là Giám đốc đầu tiên.

Trải qua năm tháng, Nhà xuất bản Kim Đồng đã trở thành “một vương quốc sách thiếu nhi” của cả nước. Đó là công sức của nhiều thế hệ cán bộ và biên tập viên nhà xuất bản, nhưng không thể không nhắc đến công lao của người xây nền đặt móng cho “vương quốc” đó.

Kỉ niệm ngày lễ trọng của mình, năm nay Nhà xuất bản Kim Đồng có một cách làm đầy ý nghĩa. Đó là sự tôn vinh người “lập quốc”. Bởi vì Nguyễn Huy Tưởng xứng đáng với sự tôn vinh đó.

Phòng triển lãm được bài trí và sắp đặt thoáng đãng, có tính thẩm mĩ cao với hàng trăm bức ảnh và những tư liệu quý cho thấy tầm vóc của một nhà văn lớn.

Dạo qua một vòng triển lãm, tôi nhận ra được dụng ý của từ “cảm hứng” trong tên gọi của triển lãm.

Việc xây dựng một nhà xuất bản cho trẻ em, đồng thời cũng là xây dựng một nền văn học mới cho các em bắt đầu từ một con số không. Vậy là đích thân Nguyễn Huy Tưởng đã “khởi động” bằng những tác phẩm “làm mẫu” của mình. Đồng thời ông mời gọi, giục giã, quy tụ xung quanh mình những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ giỏi nhất bấy giờ cùng viết cho thiếu nhi. Bắt đầu từ những truyện cổ tích và sau đó là truyện lịch sử. Trong cả hai loại sách này, Nguyễn Huy Tưởng đều là người khai phá.

Tôi đặc biệt có ấn tượng với những di cảo, bút tích của nhà văn và cả những thư từ của ông gửi bạn và bạn bè gửi cho ông. Những tư liệu như thế là vô giá, bởi nó hoàn toàn trung thực, khách quan, có sức thuyết phục hơn mọi lời tụng ca.

Những câu trích dẫn lời ông thực giản dị, nhưng rất sâu sắc gây cho người xem nhiều suy ngẫm:

- “Tôi nhiều bạn, nhưng bạn yêu nhất của tôi tức là tôi vậy”.

- “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được, mà cầy ruộng nào cũng được”.

- “Trí tưởng tượng là cái diều bay trên không, sự quan sát từng trải là cái ghế ngồi chắc chắn”.

Bên cạnh những hình ảnh, tư liệu là nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng được in qua các thời kì. Tôi thực sự xúc động được gặp lại những “bạn cũ” của tuổi thơ tôi. Đó là những cuốn Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông giời, Hai bàn tay chiến sĩ, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... Tôi đi tìm khắp phòng mà không thấy “người bạn thân nhất” bấy giờ là cuốn Thằng Quấy năm xưa. Tôi còn nhớ cả cuốn Thằng Quấy được dịch sang tiếng Trung Quốc có vẽ con voi bay.

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng thuộc loại được tái bản nhiều. Có những cuốn được in tới gần hai chục lần với hình thức khác nhau, nhưng với tôi những cuốn sách in lần đầu trên giấy xấu và mỏng mảnh như cuốn Tìm mẹ sao mà gợi nhớ, gợi thương đến thế.

Tôi nói điều này tưởng chẳng là võ đoán. Rằng, sẽ khó có được những triển lãm về một nhà văn hiện đại nào ở nước ta như cuộc triển lãm này. Bởi tìm đâu ra được những tư liệu gốc quý như của gia đình Nguyễn Huy Tưởng. Chiến tranh, loạn li làm mất mát quá nhiều thứ, kể gì đến những trang giấy, những bản thảo viết tay? Thời tiết nóng ẩm, nhà cửa dột nát, mối xông… làm sao bảo quản được những thứ “mong manh” đó? Thêm nữa, con cháu liệu có thực sự quan tâm đến di sản của cha ông họ?

Cảm hứng từ một cuộc triển lãm - ảnh 2
Anh Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn phát biểu tại triển lãm

Trường hợp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thật là hiếm. Đó là nhờ công lao nâng niu gìn giữ của bà Trịnh Thị Uyên, vợ của nhà văn, và sự trân trọng, dày công nghiên cứu, tìm hiểu, làm sống lại hiện vật của Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn. Làm sao để hiểu đúng bản chất của hiện vật, tìm ra manh mối giữa chúng với nhà văn và làm cho hiện vật cất lên tiếng nói, đó là cả một quá trình công phu và tâm huyết mà không phải mấy người con cháu đã dành cho cha ông mình, như Thắng. Người ta vẫn gọi anh là “nhà Nguyễn Huy Tưởng học” mà.

Cảm hứng từ một cuộc triển lãm - ảnh 3
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh với những hồi ức về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Ảnh: KĐ

Cũng phải kể thêm một cảm hứng nhận được từ cuộc triển lãm này. Buổi khai mạc diễn ra trang trọng, nhưng không mang vẻ quan phương mà trong một không khí thật đầm ấm. Đó là sự có mặt rất đông đảo đại diện gia đình các văn nghệ sĩ bạn của nhà văn, từ Nam Cao, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Triệu Luật, đến Nguyễn Kiên, Thy Ngọc… Cái tình của Nguyễn Huy Tưởng với bạn bè vô cùng trong sáng và trân quý được minh chứng qua những trang thư viết tay còn lưu lại. Cái tình ấy vẫn tiếp nối với thế hệ con cháu của họ hôm nay, như trong một gia đình. Đặc biệt phải kể đến nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng thời kì “lập quốc”, người từng được Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng dìu dắt, bên cạnh các họa sĩ, biên tập viên thuộc các thế hệ tiếp nối của Nhà xuất bản, trong đó có thế hệ hôm nay. Và đông đảo nhất là những người đọc yêu quý ông, trong đó có cả các cháu nhỏ theo cha mẹ đến tham dự triển lãm.

Cảm hứng từ một cuộc triển lãm - ảnh 4
Thầy trò trường Nguyễn Đình Chiểu (mái ấm của những học sinh khiếm thị) mang đến triển lãm những trang sách nổi in Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: KĐ

Thầy trò Trường Nguyễn Đình Chiểu mang đến Triển lãm những cuốn sách nổi, trong đó có tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Những trang sách của ông cùng nhiều cuốn sách Kim Đồng khác nữa giúp các em hiểu biết thêm lịch sử nước nhà, soi sáng tâm hồn những bạn đọc nhỏ chẳng may bị khiếm thị.

Để có được một cuộc triển lãm hoàn hảo như cuộc triển lãm này, hẳn phải có sự cộng tác vô cùng ăn ý của “bộ ba”  Bảo tàng - Nhà xuất bản - Gia đình nhà văn. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi tổ chức triển lãm là một bảo tàng có uy tín, được nhiều người biết tới, có “cặp mắt xanh” với văn học thiếu nhi. Nhà xuất bản Kim Đồng khéo kết hợp kỉ niệm ngày thành lập với việc tri ân vị Giám đốc đầu tiên. Gia đình nhà văn cung cấp nhiều tư liệu quý phù hợp với đề tài triển lãm - một cuộc triển lãm đẹp trong những ngày hè nóng bỏng của Thủ đô năm nay.

Mong sao có được nhiều cuộc triển lãm như thế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác