(VOV5) - 90 năm kể từ ngày thành lập 3/2/1930 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại đã giành được, Đảng tổng kết nhiều bài học của quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là bài học về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bài học lấy dân làm gốc; bài học phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, bài học về chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
90 năm qua, bài học về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và là mục tiêu chiến lược của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Mục tiêu đó được đề ra ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 và được đặt ra và cụ thể hóa trong từng thời kì, từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam; được phát triển cả về nhận thức lý luận và thực tiễn trong các Cương lĩnh tiếp theo của Đảng.
Những bài học trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.- Ảnh minh họa |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ngày nhận thức nội dung độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và sự thống nhất không thể tách rời nhau của hai mục tiêu chiến lược đó: “Mục tiêu ở đây là để giành độc lập dân tộc, ở một nước nông nghiệp nông dân nhiều thì phải ra ruộng đất cho dân cày, mang lại quyền dân sinh, dân chủ, tiến lên giải phóng toàn xã hội, xây dựng một xã hội tốt đẹp, tức là chủ nghĩa xã hội. Với mục tiêu đúng đắn đó thì đương nhiên trở thành một khẩu hiệu để tập hợp lực lượng cách mạng ngay từ lúc thành lập Đảng. Đảng của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời Đảng cũng là lãnh tụ của phong trào dân tộc phong trào yêu nước.”
Bài học thành công lớn nhất mà Đảng đã tổng kết và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, đó là, bài học “lấy dân làm gốc”. Từ khi thành lập năm 1930, Đảng coi trọng sự nghiệp đấu tranh giành và giữ chính quyền, lãnh đạo xây dựng và tăng cường sức mạnh nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng kiểu mới, chính quyền Nhà nước thật sự là công bộc của nhân dân, phục vụ nhân dân, gánh việc chung cho dân. Trong công cuộc đổi mới, Đảng lãnh đạo xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định: Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng:
Băng: “Khi nào chúng ta phạm sai lầm về chính sách dân tộc thì chúng ta gặp khó khăn. Đó là bài học đối với tất cả những người cộng sản và những người yêu nước của dân tộc. Bài học đó lại được nhắc lại khi chúng ta tiến hành đổi mới. Đại hội 6 đổi mới, bài học đầu tiên lấy dân làm gốc. Bài học đó không phải đến chúng ta mà trong suốt quá trình lịch sử ông cha ta đều dặn “Dân vi bản” (có dân là có tất cả, mất dân là mất hết)”.
Bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng được coi là xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, Đảng đã tập hợp, đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, đồng thời bảo đảm lợi ích riêng của mỗi giai cấp, tầng lớp nhân dân.Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: "Hệ thống mặt trận nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trước Đảng, với nhân dân để thể hiện là nơi tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động, khích lệ nhân dân đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng với chính quyền”.
Trong giai đoạn hiện nay, bài học về chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn, để Đảng đảm nhiệm trọng trách trước lịch sử, dân tộc, giai cấp và nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đảng hoạt động, lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, kỉ luật nghiêm minh; tự phê bình và phê bình những sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Từ thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua, trước Đại hội 13, Đảng nhiều lần chỉ đạo kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm".
90 năm, một chặng đường đủ dài để khẳng định tính đúng đắn trên con đường kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 90 năm cũng khẳng định bài học đại đoàn kết và lấy dân là gốc chưa bao giờ cũ. Với những bài học được rút ra sau 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam càng cho thấy: chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng để Đảng đảm nhiệm trọng trách trước lịch sử, dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng chính là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.