ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức

(VOV5) - Chính phủ các nước ASEAN ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và cũng mở rộng chính sách cho cả những đối tượng đặc thù.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dòng hành động còn lại trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27 với chủ đề “ASEAN hành động-cùng nhau giải quyết các thách thức” diễn ra ngày 1/4 vừa qua nhấn mạnh tinh thần “cùng nhau” của Cộng đồng ASEAN, cũng như ý chí chung trong nỗ lực tập thể nhằm giải quyết và vượt qua các thách thức đang phải đối mặt. 

ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Cam-pu-chia, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2022 điều hành hội nghị. Ảnh: baodansinh.vn

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27 là sự kiện quan trọng và là cuộc họp đầu tiên trong năm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Hội nghị trao đổi về những ưu tiên, các văn kiện đề xuất xây dựng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay thông qua, đồng thời chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần quan tâm và định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; gắn kết con người với con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững và không bỏ ai ở lại phía sau.

ASEAN nâng cao năng lực tự cường

Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 do các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 năm 2020, đã khẳng định: Việc phát triển Tầm nhìn sau năm 2025 sẽ được tiến hành một cách toàn diện, thực tế, cân bằng, bao trùm và phối hợp; sử dụng cách tiếp cận toàn cộng đồng nhằm phối hợp các nỗ lực liên trụ cột cộng đồng và các cơ quan ngành của ASEAN nhằm giải quyết sự phức tạp ngày càng tăng của các cơ hội và thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt.

ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức - ảnh 2Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam cam kết ủng hộ hết sức cho năm Chủ tịch của Campuchia. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 xác định rõ, với các đặc thù phát triển của mình, ASEAN từng bước đẩy mạnh liên kết kinh tế làm cơ sở để xác định các hình thức liên kết tiếp theo của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng lòng tin vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ứng phó chủ động, hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra cũng như đóng góp tích cực hơn nữa vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình và phát triển của cộng đồng quốc tế. ASEAN cũng đảm bảo xây dựng một Cộng đồng ASEAN thực sự hướng đến người dân, đặt người dân vào trung tâm của quá trình phát triển. Phát triển đồng đều, bền vững ở các vùng, miền, giữa các quốc gia, các thành phần khác nhau trong xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là bối cảnh các quốc gia ASEAN đang phục hồi khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

ASEAN đoàn kết, hợp tác ứng phó thách thức

Theo thống kê chưa đầy đủ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại đến 3,3% GDP của ASEAN. Dịch COVID-19 đã khiến hệ thống y tế của nhiều nước gặp khó khăn, nền kinh tế các quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, hàng triệu người dân lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói…

Trước tình trạng đó, các nước thành viên ASEAN đã đoàn kết, cùng nhau hợp tác ứng phó với dịch bệnh như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với dịch; Thành lập Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia; Tạo hành lang đi lại thuận lợi… Các chương trình triển khai ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và quốc gia thông qua các sáng kiến. Có thể kể đến Kế hoạch Tổng thể Văn hóa Phòng ngừa, Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN hay Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chính phủ từng nước cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và cũng mở rộng chính sách cho cả những đối tượng đặc thù. Chiến lược tiêm chủng vaccine triển khai khẩu trương tại nhiều quốc gia ASEAN giúp người dân nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, tập trung phát triển kinh tế, mở cửa du lịch và mở cửa lại trường học.

Những kết quả đạt được là minh chứng cho việc bảo vệ những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ quyền của người lao động, xây dựng một xã hội cởi mở, thích ứng và xóa bỏ những bất bình đẳng còn tồn tại trong xã hội tại khu vực. Những sáng kiến gần đây của ASEAN trong tăng cường vai trò của Thanh niên ASEAN cũng sẽ góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển bền vững. Có thể nói, các hoạt động triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 đang được triển khai mạnh mẽ, mang đến một thông điệp: Đoàn kết chính là cơ sở hợp tác, là chìa khóa cho những thành công của ASEAN và là nguyên liệu chính để xây dựng nên mái nhà chung ASEAN, giúp các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua các thách thức hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác