ASEAN - hình mẫu thành công về hợp tác khu vực

(VOV5) - Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ, biết gắn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực sẽ duy trì được vai trò trung tâm.

Ngày 8/8/2020, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 53 năm ngày thành lập. Hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã xây dựng một khu vực ổn định, thịnh vượng và hòa bình, trở thành hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Đóng góp vào thành công chung này là nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam ngày càng nổi lên là nước có vai trò dẫn dắt.

ASEAN - hình mẫu thành công về hợp tác khu vực - ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ thượng cờ ASEAN sáng 7/8/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu và dần phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ, gồm 10 nước thành viên.

ASEAN - hình mẫu thành công về hợp tác khu vực

Hơn nửa thế kỷ qua, thành tựu hợp tác ASEAN được thể hiện trên nhiều mặt. Về thể chế, là một tổ chức hợp tác khu vực gồm 10 nước Đông Nam Á, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN, có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, trong đó có Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN ở Jakarta

ASEAN đã thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại, hình thành các cơ chế làm nòng cốt cho cấu trúc kinh tế, an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhờ đó đã thu hút sự tham gia, mở rộng quan hệ đối tác và hợp tác của ngày càng đông đảo các nước, các tổ chức trên thế giới.

ASEAN - hình mẫu thành công về hợp tác khu vực - ảnh 2Khoảnh khắc lá cờ ASEAN dần được kéo lên và tung bay. Ảnh: nhandan 

ASEAN cũng không ngừng chủ động thích ứng, đón đầu những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ mới, phát triển mạng lưới các thành phố thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay...

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 và những chuyển động mới của môi trường địa - chiến lược khu vực và toàn cầu cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên đã tạo ra nhiều thách thức chưa từng có đối với ASEAN. Phát biểu tại lễ thượng cờ ASEAN sáng 7/8, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng: “Những thách thức này không phải là nguyên nhân để chúng ta chùn bước. Ngược lại, đòi hỏi ASEAN phải gắn kết, chủ động thích ứng hơn và duy trì vai trò trung tâm trong khu vực. Những kết quả đáng khích lệ mà ASEAN đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020 là minh chứng rõ ràng về một ASEAN không khuất phục trước nghịch cảnh. Dù cuộc chiến khó khăn chống đại dịch và phục hồi kinh tế vẫn còn ở phía trước, nhưng tôi muốn nhấn mạnh, tương lai ASEAN rất tươi sáng”.

Dấu ấn Việt Nam

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này vào năm 1995, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập và chủ động đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công của ASEAN hôm nay. Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, góp phần hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng vào xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025. Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đánh giá: “Việt Nam đã đóng góp ngày càng tích cực và sâu rộng hơn trong công việc chung của ASEAN, nhất là thúc đẩy đoàn kết; tăng cường hội nhập trong ASEAN bằng chương trình hành động về thu hẹp khoảng cách phát triển. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc mở rộng ASEAN. Chính điều đó là những tiền đề phát triển của ASEAN trong những năm tiếp theo”.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam dẫn dắt ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với kinh tế, chuẩn bị kế hoạch hồi phục toàn diện để vươn lên từ đại dịch. Với phương châm “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng”, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau, chúng ta có thể vượt qua bất cứ thử thách nào để đưa ASEAN tiến lên phía trước. Ngày 8/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ ra Tuyên bố về tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nhân dịp Ngày ASEAN. Tuyên bố này sẽ tái khẳng định các tầm nhìn, cam kết và nguyên tắc cơ bản của ASEAN xây dựng ASEAN thành khu vực hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng”.

Lịch sử 53 năm tồn tại, phát triển của ASEAN đã chứng minh, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ, biết gắn lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực sẽ duy trì được vai trò trung tâm. Quá trình đó có những đóng góp hiệu quả của Việt Nam, một quốc gia thành viên có trách nhiệm với khu vực và quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác