Bước ngoặt trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

(VOV5) -  Cộng đồng người có đạo đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam vừa thảo luận và dự kiến thông qua dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo ngay trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.


Chức sắc các tôn giáo cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại thời điểm này là rất cần thiết, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, đặc biệt cho những người có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.

  

 Bước ngoặt trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV


Việt Nam là một nước đa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân. Các tôn giáo luôn đoàn kết đồng hành cùng dân tộc, thực hiện phương châm sống tốt đời, đẹp đạo. Luật tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng dựa trên chính sách nhất quán trên đồng thời bổ sung nhiều điểm mới phù hợp với sinh hoạt tôn giáo hiện nay. 

Tôn trọng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo

Dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo trình Quốc hội lần này gồm 9 chương, 68 điều đã có nhiều tiến bộ so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trước đây. Điểm tiến bộ quan trọng trong dự án luật là tại Điều 6 đã thể hiện quyền tự do tín ngưỡng không phải chỉ của công dân mà là quyền tự do của mỗi người, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Tu sỹ, Chánh phối sư Trần Văn Huynh, Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Bạch Y, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nhận xét: "Ngoài việc mở rộng phạm vi, chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ công dân thành mọi người thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Dự thảo đã bổ sung một chương mới, Chương II về quyển tự do tín ngưỡng, tôn giáo phản ánh rõ hơn tính chất nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quyền và nghĩa vụ có tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc".

Đề cập điều kiện hoạt động của các tôn giáo, theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, dự án luật có nhiều quy định về cơ chế xin - cho trước đây đã được thay thế bằng hình thức đăng ký hoặc thông báo. Dự án Luật còn xác định rõ trách nhiệm của nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế một cách dễ dàng hơn, từ đó tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào có đạo vào nhà nước và cùng nhà nước chung tay gánh vác các vấn đề của xã hội. Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng: "Luật này đã mở rộng hơn các khái niệm pháp lý của pháp lệnh, đã coi trọng tính pháp lý của các sinh hoạt tôn giáo phổ biến như điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo,đặc biệt việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng thuận lợi thông thoáng hơn trước thay vì 23 năm nay chỉ còn đủ 5 năm đã có thể công nhận một tổ chức tôn giáo. Điều kiện chia tách, sáp nhập của các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng được thuận lợi hơn".

Lần đầu tiên quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được ghi nhận một cách đầy đủ hơn. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như công dân Việt Nam được học tại các cơ sở tôn giáo Việt Nam, phong chức, phong phẩm, suy tôn, suy cử nếu đủ các điều kiện theo quy định. Linh mục Nguyễn Văn Riễn, Chánh xứ, Hạt trưởng Hạt Phước Thành, Giáo phận Phú Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, đánh giá: "Năm 2004 chúng ta chỉ có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, nay chúng ta có Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là một bước tiến mới phù hợp với nguyện vọng của người dân, phù hợp với những xu thế của thời đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo thực hiện quyền chính đáng của mình".

Trao quyền cho các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội

Điểm đáng chú ý trong dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, bảo trợ xã hội được mở rộng theo hướng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Dự án luật tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào các hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo. Qua đó, các tổ chức tôn giáo cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu lớn của đất nước. Linh mục Nguyễn Văn Riễn chia sẻ: "Nếu theo Pháp lệnh năm 2004 thì hoạt động giáo dục từ thiện của các tôn giáo là những hoạt động được nhà nước khuyến khích thì nay trong dự thảo mới những điều này đã là quyền. Đây là những quy định đúng đắn,  mở ra cơ hội cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục và y tế vì lợi ích chung của toàn thể xã hội. Các tôn giáo sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc phát triển các mô hình, các hoạt động liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế cho người dân. Điều này giảm tải gánh nặng xã hội về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh mục tiêu xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và giáo dục".

Thượng tọa Lý Minh Đức, Trụ trì chùa Som Rông, thành phố Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, tin tưởng: "Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ góp phần động viên tín đồ, chức sắc tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp, mặt tích cực điểm tương đồng của tôn giáo, chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo, làm cho họ tự giác đấu tranh chống lại âm mưu xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa".

Dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng của mọi công dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

Phản hồi

Các tin/bài khác