Cách mạng tháng Tám khơi nguồn cho công cuộc đổi mới

(VOV5)- Thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bài học quý báu cho Đảng và nhân dân Việt Nam trong hành trình hướng đến tương lai.

Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là nguồn cảm hứng vô tận để dân tộc Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước trong nhiều năm qua. Không những thế, bài học về nắm bắt thời cơ, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của cuộc cách mạng 70 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. 

Thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bài học quý báu cho Đảng và nhân dân Việt Nam trong hành trình hướng đến tương lai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh.


Cách mạng tháng Tám khơi nguồn cho công cuộc đổi mới - ảnh 1
Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 với những lá cờ đỏ sao vàng 
tung bay trên đường phố thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)


Chớp thời cơ ngàn năm có một để cách mạng thành công

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ngày 3/9/1939, tình hình quốc tế và trong nước biến chuyển biến hết sức mau lẹ. Ngày
28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ nước ngoài trở về nước, kịp thời tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 8 trong các ngày từ 10 đến 19/5/1941. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng," vì vậy "trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”.

Để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần dân tộc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tự giải phóng, Đảng cộng sản Việt Nam quyết định thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh). Sự ra đời, phát triển của mặt trận Việt Minh không chỉ trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, phát huy cao độ nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc cho một cuộc vùng lên vĩ đại. 

Không những thế, Đảng cộng sản Việt Nam, với sự phân tích chính xác, khoa học mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đã dự báo sớm xảy ra cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương. Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định thời cơ có một không hai cho dân tộc Việt Nam đã đến. Người khẳng định quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập”. Cuộc tổng khởi nghĩa được phát động trong cả nước. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cách mạng tháng Tám đã thành công.

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong cuộc hội thảo về cách mạng tháng Tám mới đây ở Tuyên Quang, chia sẻ: Chúng ta đã có sự chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập năm 1930-1931, của cao trào cách mạng Xô viết- Nghệ Tĩnh, cả giai đoạn khôi phục lực lượng năm 1933-1935, của cao trào 1936-1939 và đặc biệt là những năm 1939-1945. Chuẩn bị trong việc chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị các mặt, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh  quốc tế. Đó là một sự chuẩn bị rất kỳ công.


Bài học đại đoàn kết có giá trị trong đổi mới

Thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám 1945 để lại bài học quý báu nhất là xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân ấy nòng cốt là liên minh công, nông, trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân đã đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Tiến sĩ Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định cách mạng tháng Tám là biểu tượng tuyệt vời của đại đoàn kết toàn dân tộc: Bắc- Trung- Nam khắp 3 miền, toàn dân khởi nghĩa, chính quyền về tay. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh vô địch.Hơn 600 năm trước Nguyễn Trãi có nói “ Làm lật thuyền mới biết sức sức dân mạnh như nước”. Hơn 500 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong vũ trụ không gì bằng sức mạnh của nhân dân”. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính đó là cội nguồn thắng lợi của cách mạng tháng Tám.


Bài học về đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa trong cuộc cách mạng 70 năm về trước, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, sức mạnh của lòng dân cần được huy động, khơi dậy và phát huy thường xuyên, mạnh mẽ. Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới. Do đó, muốn thực hiện đổi mới thành công thì trước hết phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, đó là quan trọng nhất, là số một. Vì hiện nay đang có vấn đề về giảm lòng tin của dân, mất lòng tin là không được. Thứ hai là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời phải chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân. Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ có được lòng tin của nhân dân, có lòng tin của dân là có tất cả.

Bài học về việc phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cách mạng tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị để Đảng Cộng sản Việt Nam nắm vững thời và thế, đưa đất nước phát triển bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác