Chăm lo đời sống cho người lao động để phát triển bền vững

(VOV5) - Từ năm 2012, tháng 5 hàng năm được chọn là Tháng Công nhân. Đây là hoạt động nhằm mục tiêu tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Đồng thời, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, để doanh nghiệp phát triển. Năm nay, Tháng Công nhân diễn ra với mục tiêu đưa các hoạt động sâu sát đến tận cơ sở, hướng về người lao động. 


Chăm lo đời sống cho người lao động để phát triển bền vững - ảnh 1


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn chủ đề của Tháng Công nhân năm 2015 là “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”. Hoạt động này nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” từ trung ương tới cấp cơ sở.

Tháng Công nhân 2015 hướng về người lao động

Chủ đề của Tháng Công nhân 2015 hướng đến đẩy mạnh triển khai đồng bộ các phong trào của công đoàn hướng về cơ sở, chăm lo trực tiếp cho người lao động. Qua đây, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Năm nay, Tháng công nhân được phát triển cao hơn và cụ thể hơn so với năm trước, cách làm của năm nay là sẽ đi đến tiến sát với cơ sở, làm tại cơ sở nhiều hơn. Tổng Liên đoàn Lao động ban hành những văn bản và chỉ đạo thực hiện, có những đánh giá nhân rộng mô hình và khi đó những việc làm này sẽ đi đến cơ sở thiết thực hơn, làm lan tỏa trong xã hội và vị thế của tổ chức công đoàn cũng như giai cấp công nhân ngày càng được tốt hơn trong xã hội.

Nhân “Tháng công nhân”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp cơ sở nhân rộng phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, để mỗi công nhân khó khăn đều được giúp đỡ, đảm bảo ổn định đời sống. Cùng với đó phát động những đợt thi đua cụ thể, thiết thực nhằm hoàn thành được nhiệm vụ của từng cơ sở của từng địa phương, từng ngành. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cho biết: Công đoàn kịp thời phát hiện và giúp đỡ người lao động trong điều kiện cụ thể khi họ gặp khó khăn, kể cả đối với lao động nữ ở các Khu công nghiệp lớn hiện nay đang khó khăn về nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao và tinh thần. Hiện cơ quan các cấp công đoàn tham gia với chính quyền các cấp tạo điều kiện cho người lao động trong lúc làm việc cũng như ngoài giờ làm việc.

Hoạt động thiết thực trong Tháng Công nhân 2015


Thực hiện chủ đề của Tháng Công nhân 2015, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong các cấp công đoàn cơ sở. Trong đó, chú trọng đến các nội dung như: chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xây dựng quan hệ lao động ổn định và phát triển trong doanh nghiệp. Thông qua đó, phát triển thêm đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, tổ chức các hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Năm nay có hoạt động trước tháng công nhân, trong tháng công nhân và sau tháng công nhân. Trong chuỗi hoạt động đó thì chúng tôi triển khai đồng đều các hoạt động, đan xen nhau để tạo thành chuỗi hoạt động liên tiếp. Điểm nhấn trong tháng công nhân là hoạt động đối thoại giữa các cấp công đoàn với người sử dụng lao động, các hoạt động văn hóa thể thao để nâng cao tinh thần cho công nhân lao động.

Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với công nhân lao động; trợ cấp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn… Chị Nguyễn Thị Hương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam, cho biết: Năm nay, doanh nghiệp chúng tôi phát triển các phong trào như: giao lưu biểu diễn văn nghệ, thể thao, trao quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Qua những hoạt động này, tôi thấy rất thiết thực, do đó tôi luôn có ý định sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mình.

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 1.300 tổ chức Công đoàn cơ sở, với gần 130.000 đoàn viên công đoàn. Năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức nhiều hoạt động như: tọa đàm về hoạt động của tổ chức Công đoàn và người lao động; phát động các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; tổ chức Hội thao Công nhân viên chức lao động thu hút hơn 1.000 vận động viên là người lao động trên địa bàn thành phố tham gia. Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh việc phát triển tổ chức, phát triển đoàn viên một cách quy cũ, đi vào chiều sâu, vận động thực tế người lao động mang tính tự nguyện để tham gia vào tổ chức Công đoàn và hoạt động của Công đoàn là mang tính hoạt động của đoàn viên và người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định công đoàn cấp cơ sở và các doanh nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở vun đắp, chăm lo đến quyền lợi của người lao động như: tạo việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập từng bước được cải thiện, có thêm điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng sức khỏe, duy trì tốt tuổi thọ nghề nghiệp. Đây là cơ sở để đội ngũ công nhân lao động góp phần vào quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác