Châu Âu với nhu cầu hợp thức hóa chủ quyền ngày càng mạnh mẽ

(VOV5) - Mặc dù Ukraine đã được cấp quy chế ứng viên Liên minh châu Âu, nhưng viễn cảnh nước này được kết nạp chính thức vào khối có thể mất nhiều năm với nhiều điều kiện ràng buộc.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) vừa diễn ra tuần qua tại Brussel, Bỉ. Vấn đề mở rộng khối một lần nữa được đặt lên bàn và là tâm điểm của Hội nghị và cuộc xung đột tại Ukraine chỉ nhằm thực hiện mục tiêu hợp thức hóa nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của châu Âu về chủ quyền.

Châu Âu với nhu cầu hợp thức hóa chủ quyền ngày càng mạnh mẽ - ảnh 1Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhất trí trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Moldova và Ukraine. Quyết định lịch sử này cho phép Ukraine dấn thêm một bước trong tiến trình gia nhập EU cùng với nước láng giềng.

Quyết định mang tính biểu tượng

Ukraine gọi đây là quyết định lịch sử trong khi Nga ngay lập tức phản đối quyết định trên của EU. Gọi là chưa có tiền lệ bởi thời gian từ khi nộp đơn đến khi được cấp quy chế ứng viên Liên minh châu Âu của Ukraine và Moldova diễn ra quá nhanh, chỉ vỏn vẹn vài tháng. Chưa bao giờ các nước thành viên EU có ý kiến chấp thuận đối với một quốc gia bên ngoài trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy.

Quy chế ứng cử viên cho phép Ukraine chính thức mở các cuộc đàm phán với EU, phải vượt qua khoảng 30 chương đàm phán bao trùm toàn bộ hoạt động của EU, chẳng hạn như thuế, quyền của người thiểu số, di chuyển tự do của hàng hóa và con người, các vấn đề môi trường... Các chương đàm phán này đều nhằm mục đích xác thực luật pháp của Ukraine có phù hợp với luật của EU hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quyết định của Hội đồng châu Âu thực ra là động thái mang tính biểu tượng đối với cả Ukraine lẫn Moldova, bởi đây chỉ là khởi đầu của một hành trình phức tạp và kéo dài nếu xét đến các tiêu chuẩn không thể hạ thấp của EU về kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là về tự do, nhà nước pháp quyền và nhân quyền. Hơn nữa, quyết định được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Ukraine sẽ bổ sung thêm nhiều thách thức cho cả Kiev lẫn EU trong những chặng đường tới. Mặc dù Ukraine đã được cấp quy chế ứng viên Liên minh châu Âu, nhưng viễn cảnh nước này được kết nạp chính thức vào khối có thể mất nhiều năm với nhiều điều kiện ràng buộc.

Châu Âu với nhu cầu hợp thức hóa chủ quyền ngày càng mạnh mẽ - ảnh 2Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 23/6/2022 - Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, liệu EU có đủ khả năng để tiếp nhận một quốc gia ứng cử như Ukraine hay không cũng là vấn đề cần được giải đáp. Nói cách khác, việc xem xét và kết nạp Ukraine không phải là vấn đề một chiều. Ngoài những đòi hỏi đặt ra đối với Ukraine, bản thân EU cũng phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về ngân sách, năng lực ra quyết định... để có thể kết nạp thêm thành viên.

Thách thức giấc mơ nhất thể hóa Châu Âu

Từ năm 2014 đến nay, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động như khủng hoảng Ukraine, khủng hoảng nhập cư, cùng với những hệ lụy từ khủng hoảng nợ công, Brexit và đại dịch COVID-19…., khiến cho khối này vừa muốn tăng cường nhất thể hóa, vừa chịu nhiều tác động đến lợi ích của mỗi quốc gia. Đây là một giai đoạn đầy sóng gió với EU, EU đang phải đối mặt với những thách thức mới đe dọa sự phát triển và tồn tại của mình.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ý niệm về một “châu Âu chủ quyền”, nhằm khẳng định sức mạnh chính trị, kinh tế cả ở bên trong lẫn trên trường quốc tế, được thể hiện rõ nét. Có thể kể đến việc hình thành “Sáng kiến can thiệp châu Âu” và và “Định hướng chiến lược” được thông qua trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp. Hay EU lần đầu tiên đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9/2021. Về cải cách khu vực đồng Euro, một số thành viên đã thúc đẩy “Công cụ ngân sách hội tụ và cạnh tranh” để ngỏ cho các nước không phải thành viên khu vực đồng Euro tham gia. Đại dịch COVID-19, cũng mang lại một thành công khác trong chính sách của EUvề tài chính thông qua việc Ủy ban EU thông qua một quỹ tái thiết châu Âu lên đến 750 tỷ Euro dựa trên nguyên tắc chia sẻ nợ. Tháng 9/2020, EU thành lập Cơ quan giám sát biên giới và bờ biển châu Âu, công bố dự thảo Hiến chương nhập cư và tị nạn mới và dự kiến có thể thông qua văn bản này trong năm nay…

Có thể thấy, những động thái này đều nhằm thực hiện “tham vọng Châu Âu có chủ quyền” và việc EU nhanh chóng trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Ukraine cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Tuy vậy, chặng đường thực hiện giấc mơ này còn nhiều thách thức. Lịch sử EU cho thấy rằng quá trình đàm phán để kết nạp một ứng cử viên chưa bao giờ diễn ra thuận lợi, có thể mất nhiều năm và thậm chí có thể đảo bị ngược. Nếu như Ukraine có thể dễ dàng được hưởng quy chế ứng cử viên tại Hội nghị thượng đỉnh lần này nhờ động cơ chính trị của EU, thì việc Kiev một ngày nào đó chính thức được đứng chung hàng ngũ với 27 nước thành viên trong khối lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác