Cơn địa chấn “hồ sơ Panama” tiếp tục hoành hành

(VOV5) - “Hồ sơ Panama”, vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử tiếp tục gây ra những cơn địa chấn. Hệ lụy của nó đang tiếp tục lan rộng và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định nội bộ của nhiều quốc gia và quan hệ quốc tế đương đại.

 

Cơn địa chấn “hồ sơ Panama” tiếp tục hoành hành - ảnh 1
Ảnh:doisongphapluat.com


Mỗi ngày, những cái tên trong “Hồ sơ Panama” lại dài ra. Cho tới nay cho thấy sự dính líu của khoảng 140 chính trị gia ở hơn 50 quốc gia. Ngày 8/4, tòa án liên bang Argentina bắt đầu tiến hành các thủ tục để xem xét khả năng điều tra Tổng thống Mauricio Macri, người có tên trong “Hồ sơ Panama”. Trước đó, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đã từ chức sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ ông sử dụng công ty bình phong để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh. Sáng 9/4, hàng trăm người biểu tình ở Thủ đô London kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron từ chức do ông có liên hệ với quỹ đầu tư do thân phụ lập ở nước ngoài để tránh phải đóng thuế theo “Hồ sơ Panama” nêu ra. Đây là những biến cố mới nhất liên quan tới 3 trong số 12 nguyên thủ quốc gia có mặt trong “Hồ sơ Panama”.

 

Chưa bao giờ bầu không khí căng thẳng lại bao trùm khắp toàn cầu như hiện nay xung quanh những thông tin mà hồ sơ Panama tiết lộ. Dư chấn lớn nhất đang diễn ra tại châu Âu: Sau khi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức thì hàng loạt nhân vật khác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng các nước Châu Âu, lần lượt ra đi. Sức ép cũng đang gia tăng đối với Tổng thống Ukraine Petro Proshenko dù đã bác bỏ cáo buộc và tuyên bố sẽ tiến hành điều tra để tìm ra sự thật.

 

Trong lúc này, dư luận cũng đang hết sức chú ý vào phản ứng và thông điệp từ Nga và Trung Quốc sau khi nhiều cái tên quan trọng trong chính trường 2 nước này xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”. Cho tới nay, người thân của ít nhất 8 quan chức là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu của Trung Quốc bị nêu tên. Chính phủ Trung Quốc hiện chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về thông tin trên còn cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không đưa ra câu trả lời về câu hỏi của phóng viên nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng. Tại Saint Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng mặc dù tên ông không bị liệt vào bất cứ tài liệu rò rỉ nào của công ty luật Mossack Fonseca (Panama) nhưng truyền thông phương Tây cáo buộc ông liên quan đến các thương vụ làm ăn ngầm ở nước ngoài. Tổng thống Nga cũng nói rằng vụ việc này nằm trong nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga.

 

Không chỉ gây xáo trộn xã hội Trung Quốc, Hồ sơ Panama cũng tiết lộ 500 công dân Ấn Độ dính líu đến hành vi trốn thuế, trong đó có cả các ngôi sao điện ảnh, chính khách và thương nhân. Tại Malaysia, trong khi bê bối tham nhũng của Thủ tướng Najib Razak liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB vẫn đang diễn biến phức tạp thì con trai ông Mohd Nazifuddin bin Mohd Najib cùng với nhiều cá nhân khác đã xuất hiện trong Hồ sơ Panama.

 

Sau 1 tuần được công bố, hệ lụy của Hồ sơ Panama đang tiếp tục lan rộng và có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định nội bộ của nhiều quốc gia. Đằng sau những ồn ào đang diễn ra, giới phân tích cho rằng vụ bê bối này một lần nữa bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng, tài chính toàn cầu. Nó cũng cho thấy sự cám dỗ của quyền lực, và nhiều vấn đề đặt ra trong cơ chế quản lý quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác