Đột phá về cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển kinh tế

(VOV5) - Việt Nam vừa đồng loạt đưa 4 dự án giao thông trọng điểm ở cả 2 miền đất nước vào khai thác. 
Việt Nam vừa đồng loạt đưa 4 dự án giao thông trọng điểm ở cả 2 miền đất nước vào khai thác. 

Đây là sự kiện đặc biệt, bởi lần đầu tiên cùng thời điểm, Bộ Giao thông vận tải và các Chủ đầu tư đưa vào khai thác đồng thời dự án của các lĩnh vực khác nhau bao gồm: 1 cảng hàng không, 2 tuyến cao tốc và 1 cầu dây văng quy mô lớn. Việc khánh thành những công trình này có ý nghĩa to lớn về kinh tế, tạo sự liên thông, là động lực tăng trưởng cho vùng nói riêng và đất nước nói chung.

Tổng vốn đầu tư của 4 dự án nói trên lên tới gần 18.000 tỷ đồng (gần 775 triệu USD). Đây là các dự án trọng điểm ngành giao thông cuối cùng được khánh thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch.

Những công trình quan trọng của quốc gia

Cả 04 công trình được khánh thành hôm qua đều là những dự án giao thông quan trọng, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, của vùng và của đất nước. Việc đồng loạt khánh thành 4 công trình là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Chính phủ, ngành giao thông vận tải trong việc hoàn thành mục tiêu đột phá về cơ sở hạ tầng.

 Đột phá về cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển kinh tế - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: VOV

Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024). Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các quốc gia Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất.

 Đột phá về cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển kinh tế - ảnh 2Khánh thành Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: VOV

Tại phía Nam, Tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp nói riêng.

"Việc đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ giúp cho điều kiện đi lại của người dân cũng như việc phát triển sản xuất, thực hiện việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn, làm cho tốc độ phát triển của các tỉnh trong vùng ngày một nhanh hơn."

 Đột phá về cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển kinh tế - ảnh 3Cầu Mỹ Thuận 2 với kinh phí đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Ảnh: VOV

Đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 là kết quả rõ nét của việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để bắt kịp và làm chủ các công nghệ mới, thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:    "Cầu Mỹ Thuận 1, thiết kế và thi công hầu hết là nước ngoài, thuê nước ngoài, tư vấn nước ngoài. Còn cầu Mỹ Thuận 2, người Việt Nam giám sát và làm tất cả mọi việc. Điều này rất quan trọng vì chúng ta đã trưởng thành, đã lớn mạnh và chúng ta tự làm được tất cả những khâu khó khăn."

Dành nguồn lực lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: hoàn thiện hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá, trong đó hạ tầng giao thông, nhất là tăng nhanh mạng lưới đường bộ cao tốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, việc xây dựng các dự án cao tốc trên cả nước có sự phát triển vượt bậc.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, Việt Nam đã đưa vào khai thác thêm gần 730 km đường cao tốc; đưa tổng chiều dài đường cao tốc hiện nay là gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam luôn dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm: "Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, vì vậy, chúng ta thúc đẩy đầu tư công, trong đó nhất là các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; tạo không gian phát triển mới góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, tạo công ăn việc làm, nhất là ở các vùng dự án đi qua".

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Việc khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông quan trọng về đường bộ cao tốc, sân bay, cầu dây văng nói riêng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung là bước đột phá để Việt Nam tiến tới mục tiêu xa hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác