Kế hoạch hòa bình của Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ

(VOV5) - Chỉ còn 1 ngày nữa, ngày 27/06, thỏa thuận ngừng bắn của chính quyền Tổng thống Ukraine  Petro Poroshenko, bước thực thi đầu tiên của kế hoạch hòa bình 14 điểm, hết hiệu lực. Tuy nhiên, tình hình tại Ukraine vẫn không có dấu hiệu cải thiện và đang đứng trước nguy cơ rơi vào bất ổn trầm trọng hơn. 

Trong một diễn biến mới nhất, chưa đầy 24 giờ sau khi chính phủ và phe nổi dậy thống nhất ngừng bắn, lực lượng ly khai đã bắn hạ một máy bay trực thăng quân đội của Ukraine khiến 9 người thiệt mạng. Trước đó, súng vẫn nổ và giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở các thành phố khu vực miền Đông Ukraine.

Kế hoạch hòa bình của Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ - ảnh 1
Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko. (Ảnh:www.faz.net)

Trong khi phe nổi dậy chỉ trích và cáo buộc Kiev mở đợt tấn công mới thì Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lại đổ lỗi ngược lại cho phiến quân đã không chịu hạ súng, đồng thời đe dọa sẽ rút lại lệnh ngừng bắn, mở lại chiến dịch chống khủng bố ở miền Đông. Rõ ràng, kế hoạch hòa bình 14 điểm của tân Tổng thống Petro Poroshenko với bước thực thi đầu tiên là thỏa thuận ngừng bắn, đã không có cơ hội trở thành hiện thực.

Cuộc chiến của ý thức hệ
Mặc dù kế hoạch hòa bình của Tổng thống Petro Poroshenko có rất nhiều điểm được đánh giá là khá tích cực, trong đó đáng chú ý là cam kết tiến hành phi tập trung hóa quyền lực một cách sâu rộng, song theo các nhà phân tích, cũng có quá nhiều nguyên nhân có thể khiến kế hoạch hòa bình của Tổng thống Petro Poroshenko sớm bị chôn vùi.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng Ukraine không đơn thuần là cuộc chiến giữa những người Ukraine mà chính xác là cuộc chiến của ý thức hệ, giữa một bên là những người có quan hệ lịch sử gắn bó với Nga và một bên là những lực lượng thân phương Tây. Bất ổn bùng phát ở Ukraine khởi nguồn từ việc Ukraine từ chối đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là minh chứng rõ nét cho sự đối đầu đông-tây ở quốc gia Đông Âu này. Và giờ đây, Ukraine tiếp tục là chiến trường đối đầu giữa Mỹ và Nga.Tương lai của Ukraine phụ thuộc rất lớn vào cách mà Nga và Mỹ giải quyết vấn đề hiện nay. Trong khi Nga thúc giục Mỹ gây sức ép buộc Kiev phải dừng ngay lập tức các hành động quân sự và bắt đầu đàm phán trực tiếp với các khu vực ở miền Đông, thì Washington lại kêu gọi Moscow chấm dứt sự ủng hộ đối với lực lượng đòi ly khai. Trong khi Nga lên án việc Ukraine thẳng tay đàn áp người dân ở phía Đông thì Mỹ lại cho rằng đây là hành động trấn áp bình thường của chính quyền Kiev, buộc phải sử dụng như một biện pháp nhằm duy trì luật pháp và trật tự.

Khoét thêm mâu thuẫn
Rõ ràng, Ukraine đang bị chi phối bởi hai cường quốc và không tự quyết định được tương lai của mình. Do vậy, kế hoạch của Tổng thống Petro Poroshenko, không bao gồm đề xuất đối thoại mang tính chất là một tối hậu thư nhiều hơn, không được phe nổi dậy chấp nhận là điều dễ nhận thấy.

Thêm nữa, Ukraine sẽ chính thức đặt bút ký kết một phần thỏa thuận liên kết kinh tế với EU ngày 27/6 tới, thể hiện cam kết tiếp tục theo đuổi đường lối cải cách thể chế sâu rộng, sẽ làm khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa chính quyền Ukraine và lực lượng đòi ly khai. Với động thái mới này, xu hướng thân châu Âu của chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ hơn từ những người ủng hộ chủ trương liên bang hóa. Kế hoạch bình ổn đất nước của chính quyền Kiev sẽ bị chính kế hoạch ký kết thỏa thuận với Châu Âu phá hỏng.

Kế hoạch hòa bình của Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ - ảnh 2

Cuối cùng, tâm lý thất vọng của người dân Ukraine với vị tân tổng thống cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch hòa bình của Ukraine khó đi đến đích. Tâm lý thất vọng chán chường của người dân bộc lộ ngày càng rõ. Thái độ bất mãn của người dân thể hiện qua các vụ đập phá bên ngoài Đại sứ quán Nga tại Kiev mới đây, sau khi một máy bay của quân đội Nga bị trúng đạn của lực lượng đòi ly khai. Trong khi đó nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Petro Poroshenko trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ nhanh chóng lập lại trật tự và khôi phục hòa bình.

Mọi bước thực thi phải xuất phát từ thiện chí
Nhanh chóng chấm dứt giao tranh, các phe phái cùng ngồi vào đàm phán để đi đến một thống nhất tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine là điều mà cộng đồng quốc tế đang hết sức trông đợi hiện nay. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin rút lại khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine đang hé lộ tín hiệu tích cực cho hòa bình ở quốc gia này.

Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi quyết định “lui quân” của Moscow có thực sự xuất phát từ thiện chí hay chỉ là giải pháp tình thế đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 27/6, khi các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ và phương Tây đang được đặt lên bàn cân nhắc. Mỹ một mặt hoan nghênh bước xuống thang của Nga, song vẫn nhấn mạnh khả năng tăng cường các lệnh trừng phạt nếu Nga tiếp tục có những động thái can dự vào Ukraine. Từ diễn biến hiện tại, giới phân tích nhận định hòa bình cho Ukraine trong những ngày tới vẫn rất mong manh./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác