Kết thúc đàm phán FTA: Triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và EU

(VOV5) -  Sau gần 3 năm với 14 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, hôm qua (04/08), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Điều này mở ra những triển vọng hợp tác, phát triển mới đối với Việt Nam và EU.


Kết thúc đàm phán FTA: Triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và EU - ảnh 1
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Đại sứ Franz Jessen phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: ndh.vn


Ngày 26/06/2012, vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức khởi động. Với tinh thần đàm phán tích cực, linh hoạt của cả EU và Việt Nam, các vòng đàm phán đã có bước tiến triển nhanh. Sau phiên đàm phán lần thứ 14 diễn ra trong các ngày 13 và 14/07/2015, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (FTA). FTA là một trong những Hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp 2 bên.

Cơ hội tăng cường trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trưởng giữa Việt Nam và EU

Cao ủy Thương mại EU, bà Malstrom đánh giá hiệp định với Việt Nam vượt trội so với các FTA mà EU đã ký với các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thương mại giữa các nước thành viên với khu vực Đông Nam Á nói chung. Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực không phải chịu thuế ngay ngày đầu tiên. Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, Việt Nam và EU sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu, tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Hai bên sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình, đối với rất ít dòng thuế còn lại sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký cho đến nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ rõ: "Tính hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong Hiệp định này là rất quan trọng. EVFTA được ký kết sẽ tiếp tục là một cơ hội thuận lợi để 2 bên tăng cường quy mô hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu. Về lĩnh vực nông nghiệp, khi Hiệp định đi vào thực hiện, các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam trong đó rau quả, thủy sản và gạo sẽ được EU dành cho những ưu đãi về thuế xuất. Ngược lại, đối với một số sản phẩm nông nghiệp mà EU có thế mạnh như sản phẩm lúa mì, hoa quả ôn đới, một số sản phẩm chăn nuôi, phía Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu của EU có thể xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam".

Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30% đến 40%, cao hơn mức tăng xuất khẩu trong trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản). Khu vực dịch vụ cũng mở rộng đáng kể nhờ FTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Các tác động đáng kể nhất của hiệp định, bao gồm cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh.

FTA có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại Việt Nam - EU

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định FTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ... hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: "Với những lợi thế, lợi ích của FTA mà Việt Nam và EU ký kết sẽ góp phần quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và đưa Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong sân chơi rộng lớn về thương mại và đầu tư trên thế giới. Qua đó giúp cho Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong đàm phán các Hiệp định tương tự với các đối tác khác".

Khi FTA được ký kết với các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thêm cơ hội thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án đầu tư có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, những chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ...

Về ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen cho biết: "Hiệp định này là dấu mốc quan trọng trong hợp tác thương mại giữa EU và ASEAN. Sau việc hoàn tất FTA với Singapore, đây là FTA thứ 2 giữa EU với một nước ASEAN. Hiệp định này đã tạo ra một hình mẫu mới, tốt hơn và hiện đại hơn đối với các Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và các nước đang phát triển".

Sau bước đột phá trong quá trình đàm phán Hiệp định FTA, các nhóm đàm phán phía Việt Nam và EU sẽ tiếp tục tiến trình và giải quyết những vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời hoàn thiện văn kiện Hiệp định. Khi đã được hoàn thiện, Hiệp định này cần phải được Hội đồng và Nghị viện Châu Âu thông qua. Hai bên dự kiến sớm kết thúc toàn bộ quá trình này, tiến tới ký kết hiệp định trong năm nay.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác