Lebanon chìm sâu trong khủng hoảng sau vụ nổ kinh hoàng

(VOV5) - Với việc Nội các của Thủ tướng Hassan Diab từ chức và đã được Tổng thống Michel Aoun chuẩn y, chính trường Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng đầy thách thức.  

Không ngoài lo ngại của giới phân tích, chưa đầy một tuần sau vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut, Chính phủ Lebanon của Thủ tướng Hassan Diab ngày 10/8 đã tuyên bố từ chức, đẩy chính trường quốc gia Trung Đông lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện với kết cục khó đoán định.

Lebanon chìm sâu trong khủng hoảng sau vụ nổ kinh hoàng - ảnh 1Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố chính phủ từ chức tối 10.8. - Ảnh: Reuters. 

Phát biểu trên truyền hình về lý do từ chức, Thủ tướng Hasan Diab khẳng định, vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận, là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan, mô tả đây là một tội ác. Quyết định từ chức của Chính phủ Lebanon được coi là hệ quả tất yếu của một loạt các diễn biến căng thẳng trên cả chính trường và dưới đường phố Lebanon những ngày qua, khởi phát từ vụ nổ kinh hoàng khiến ít nhất 158 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương; gây hư hại hơn một nửa thành phố Beirut và thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính lên tới 5 tỷ USD.

Hệ quả tất yếu

Một ngày trước tuyên bố từ chức của Chính phủ do Thủ tướng Hassan Diab lãnh đạo, đã có 3 Bộ trưởng, một trợ lý cấp cao của Thủ tướng và một số nghị sỹ Quốc hội Lebanon tuyên bố từ chức với lý do đưa ra đều liên quan đến vụ nổ.

Trong khi đó, chiến dịch biểu tình phản đối và yêu cầu Chính phủ nhận trách nhiệm về vụ nổ, cũng diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 9/8, nhiều người biểu tình đã xông vào các tòa nhà của Bộ Các vấn đề người tị nạn và Bộ Lao động nước này ở trung tâm thủ đô Beirut. Đặc biệt, khu vực lối vào trụ sở Quốc hội đã có lửa cháy, khi hàng trăm người biểu tình phản đối Chính phủ tìm cách vượt qua hàng rào an ninh để xông vào khu vực này. Hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNAL) cho biết đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa những người biểu tình phản đối chính phủ với lực lượng cảnh sát vào tối cùng ngày. Cảnh sát được cho là đã sử dụng đạn hơi cay để giải tán các đám đông biểu tình trên đường phố, đặc biệt là tại trụ sở các cơ quan công quyền. Trước đó, ngày 8/8, hàng nghìn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở Beirut sau khi tụ tập trên đường phố để nêu yêu sách về cải cách và đòi chính phủ phải từ chức. Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.

Lebanon chìm sâu trong khủng hoảng sau vụ nổ kinh hoàng - ảnh 2Vụ nổ đã khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng tại Lebanon. - Ảnh: EPA 

Cục diện đầy thách thức

Với việc nội các của Thủ tướng Hassan Diab từ chức và đã được Tổng thống Michel Aoun chuẩn y, chính trường Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng đầy thách thức.  

Thách thức đầu tiên là phải thành lập một Chính phủ mới. Với thực trạng chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị tại Lebanon đã được biết đến rộng rãi từ hàng thập niên qua, nhiệm vụ này được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn. Minh chứng dễ thấy là tiến trình thành lập Chính phủ do Thủ tướng Hassan Diab lãnh đạo hồi cuối năm 2019, đã gặp phải rất nhiều trở ngại, kéo dài tới một tháng rưỡi mới hoàn thành. Còn với quá trình bầu Tổng thống đương nhiệm Michel Aoun, thậm chí phải kéo dài tới 29 tháng (từ tháng 5/2014 đến cuối tháng 10/2016), sau hàng chục nỗ lực bỏ phiếu bất thành tại Quốc hội Lebanon. 

Thách thức tiếp theo là Chính phủ mới phải giải quyết được một loạt những khó khăn chồng chất cả về kinh tế và xã hội hiện nay, đặc biệt là các tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Nhiều nhà phân tích lo ngại gọi đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi lẽ, với thực trạng nền kinh tế kiệt quệ vì nạn tham những và ảnh hưởng của đại dịch, Lebanon cần có nguồn trợ giúp tài chính lớn của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch đang tác động nghiêm trọng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới như hiện nay, việc có thể nhận được những nguồn tài chính hào phóng từ cộng đồng quốc tế, là gần như không thể.

Ngoài ra, còn có một kịch bản rất có khả năng xảy ra là Lebanon phải tiến hành tổng tuyển cử sớm trước thời hạn. Thực tế, trong một tuyên bố trước khi đi đến quyết định từ chức, Thủ tướng Hassan Diab đã kêu gọi thực hiện tiến trình dân chủ này. Theo giới phân tích, nếu phải tiến hành tổng tuyển cử sớm, cục diện chính trường Lebanon sẽ còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Lý do là bởi tiến trình này cần đến nhiều nguồn lực, đồng thời dễ dẫn đến những tranh cãi, thậm chí đối đầu nghiêm trọng giữa các phe phái như thực tế đã xảy ra trong nhiều tiến trình bầu cử trước đây. Đó là chưa kể tới những sự can thiệp từ bên ngoài của không ít thế lực khu vực và quốc tế có ảnh hưởng lớn và có lợi ích liên quan.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác