Quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng

(VOV5) - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa kết thúc tuần qua, tại Hà Nội. Với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, cuộc họp, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, coi đây là mục tiêu sống còn trong tiến trình xây dựng đất nước phát triển phồn vinh.

Được thành lập từ năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước. Kể từ khi thành lập đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được nhận thức sâu hơn, có quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phát huy tốt kết quả đạt được, vướng ở đâu tập trung gỡ ở đó

Kể từ sau Phiên họp thứ 23 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 1 năm nay), công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng quyết liệt và được đẩy lên một bước, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương.

Quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo sáng 10/5. Ảnh: VOV

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc; xử lý cả các hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Những kết quả này tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:Sau mỗi phiên họp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dư luận rất quan tâm. Các cơ quan phối hợp với nhau rất tốt, thống nhất cao. Số lượng công việc nhiều nhưng chúng ta triển khai thực hiện, xử lý các vụ việc đều rất nghiêm, nghiêm nhưng mà thuyết phục, trong đó có nhiều vụ án khó chúng ta làm rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Việc chúng ta chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là cần thiết và đúng, vừa qua nhiều nơi đã làm tốt rồi và có tác dụng.

Kiên trì, kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thời gian tới, công tác phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương cũng như ở địa phương phải đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả hơn nữa với tinh thần vướng ở đâu tập trung gỡ ở đó, vướng luật thì đề nghị sửa đổi luật, chưa có quy định thì nghiên cứu ban hành quy định. Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:Chúng ta tiếp tục phát huy những kết quả làm được tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả cao hơn nữa. Không né tránh, không đùn đẩy, đừng đổ tại khách quan, làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán, chủ động phòng ngừa, không để sơ hở, không để lợi dụng, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giám sát. Nhất là không để kẻ xấu lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng của chúng ta để kích động chia rẽ nội bộ, nếu như phát hiện, chúng ta cũng phải xử lý.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả với những kết quả ấn tượng, không chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong và ngoài nước mà còn nhận cả sự quan tâm, đánh giá cao từ nhiều tổ chức quốc gia trên thế giới. Vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia dân tộc phát triển từ xưa tới nay cho thấy không có bất cứ một thể chế nào, quốc gia dân tộc nào tuyệt đối không có tham nhũng; không có một sự thịnh vượng hay phát triển nào ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, nếu không phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết và hiệu quả. Do vậy, ở Việt Nam, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là mệnh lệnh sống còn. Nhiệm vụ này dù khó khăn, nhiều thử thách, nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác