Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(VOV5) - Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%.

“Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, bản lĩnh linh hoạt” là chủ đề điều hành kinh tế xã hội năm 2023 của Chính phủ Việt Nam. Là năm đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm, do vậy, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam hạ quyết tâm khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Năm 2023, trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn, Chính phủ Việt Nam nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023, đạt được nhiều thành tích hơn năm 2022.

Quyết tâm hành động, biến nguy thành cơ

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo vẫn nhiều bất ổn, Chính phủ xác định phải đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để “biến nguy thành cơ”.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. Trong lĩnh vực tiền tệ, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Cùng với đó là việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa lãi suất với lạm phát; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023, diễn ra ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến bản lĩnh, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, luôn cầu thị, lắng nghe và phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.

Chính phủ Việt Nam cũng thống nhất và quyết tâm tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Các bộ, ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững.

Đồng lòng từ trên xuống dưới

Năm 2022, kinh tế Việt Nam để lại những dấu ấn quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,02%, thuộc diện cao nhất khu vực. Hàng loạt kỷ lục cũng đã được ghi nhận, từ xuất nhập khẩu đến giải ngân vốn đầu tư nước ngoài… Có được thành tựu đáng tự hào như trên là sự nỗ lực của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, trong đó có nỗ lực điều hành của Chính phủ.

Tiếp nối thành quả trên, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương, ngày 3/1, các đại biểu đều khẳng định quyết tâm, cam kết phấn đấu để "năm 2023 đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022". Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định năm 2023, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu tốc độ Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 11%, tất cả các ngành, lĩnh vực phấn đấu đạt cao hơn năm 2022. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định TP. Hà Nội đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó GRDP tăng 7,0% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án bất động sản đảm bảo điều kiện pháp lý đang dở dang để nhanh chóng cung cấp nguồn cho thị trường bất động sản công nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị quyết 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Kiến nghị giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Nghiên cứu các nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản”.

Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 2Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: báo Nhân dân

Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu ý kiến: “Tập trung hoàn thành khánh thành 1 số dự án, các công trình dự án trọng điểm đúng tiến độ đảm bảo chất lượng nhất là dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam; và đảm bảo tiến độ các dự án Cảng hàng không Quốc tế Long thành giai đoạn 1, nhà ga T3 cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”. 

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%. Với việc Chính phủ xác định chủ đề điều hành kinh tế xã hội năm 2023 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, bản lĩnh linh hoạt”, dư luận chờ đợi những quyết sách quan trọng của Chính phủ để kinh tế có thể tiếp tục hành trình phục hồi và phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác