Thúc đẩy ngoại giao nghị viện Việt Nam - Thụy Sỹ

(VOV5) - Kể từ năm 1991, Chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 600 triệu CHF (khoảng 670 triệu USD) để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas hôm nay bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 27 - 30/6, thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, đồng thời là hoạt động đối ngoại nghị viện quan trọng, nối lại trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước sau đại dịch COVID - 19.

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện Việt Nam - Thụy Sỹ - ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ Martin Candinas. Nguồn: parlament.ch

Chuyến thăm của Chủ tịch Martin Candinas nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời củng cố quan hệ giữa các cơ quan lập pháp Thụy Sĩ và Việt Nam.

Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ

52 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2023), quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, hợp tác đa phương, mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, thương mại và đầu tư, nghiên cứu và khoa học, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên.

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện Việt Nam - Thụy Sỹ - ảnh 2Cựu Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber. Nguồn: Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam

Năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam đạt gần 2 tỷ CHF, tương đương 2,2 tỷ USD. Hơn 100 công ty Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ năm 1991 khi Thụy Sĩ trở thành đối tác hợp tác phát triển kĩ thuật và kinh tế của Việt Nam, Chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 600 triệu CHF (khoảng 670 triệu USD) để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, với tư cách là quốc gia ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ, Việt Nam được nhận gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 70 triệu CHF (78,4 triệu USD) cho giai đoạn 2021 - 2024. Bắt đầu từ năm 2020, thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED), Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tài trợ để mở rộng và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa hai nước. Theo dự kiến, giai đoạn 2 của chương trình hợp tác này sẽ được khởi động vào mùa Thu năm nay.

Cùng với đó, các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên, đã được tiến hành từ năm 2012 và hiện vẫn đang là một trong những vấn đề quan trọng được hai nước đặc biệt quan tâm và dành nhiều nỗ lực. Cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, Ivo Sieber, cho rằng: "Nhìn vào tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Thụy Sĩ  chính là động lực và lĩnh vực hợp tác lớn nhất giữa 2 nước và vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở cấp độ đầu tư. Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động tại Việt Nam đã giúp tạo ra 20 nghìn việc làm ở các lĩnh vực khác nhau. Tôi tin rằng khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) được ký kết sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp Thụy Sĩ để họ tìm hiểu về Việt Nam và xem đây là thị trường thuận lợi, thú vị để kinh doanh".

Cơ quan lập pháp đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ song phương

Các chuyến trao đổi cấp cao của các cơ quan lập pháp hai nước luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Thụy Sĩ thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là ở cấp cao và có sự phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn nghị viện đa phương, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Trên bình diện đó, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas cùng với sự tham gia của hai Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam nói chung, với Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Thông qua chuyến thăm, hai bên cùng thảo luận các biện pháp cụ thể để tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện, duy trì trao đổi đoàn, trao đổi chuyên môn giữa các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Thụy Sĩ. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ trao đổi với phía bạn về các biện pháp để tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn nghị viện đa phương, như: IPU, APF.

Về chính trị, hai bên sẽ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề cùng quan tâm, nhấn mạnh đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Về kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại. Trong đó, đặc biệt là việc thể hiện nguyện vọng của hai bên sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Việc Hiệp định này sớm được ký kết chắc chắn sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và các nước thuộc khối EFTA.

Tháng 2 năm nay, Chính phủ Thụy Sĩ đã thông qua Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023 - 2026. Trong Chiến lược này, Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động nhất khu vực, là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ. Và chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas không chỉ tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước mà còn góp phần hiện thực hóa Chiến lược Đông Nam Á của quốc gia châu Âu này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác