Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Điểm tựa của khối đại đoàn kết dân tộc

(VOV5) - Sau bao thế kỷ thực hành và trao truyền, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa, góp phần định vị những giá trị Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

Ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam, là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, nét văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc Việt Nam, đã bước ra khỏi biên giới, trở thành tài sản chung của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Điểm tựa của khối đại đoàn kết dân tộc - ảnh 1Trung tâm Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Tú Anh

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh khi đáp ứng được tất cả các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, các chuyên gia của UNESCO nhấn mạnh đến di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc, đặc biệt là tính nhân văn, độc nhất của Tín ngưỡng thở cúng Hùng Vương.

Hội tụ văn hóa cội nguồn và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Theo truyền thuyết tại Đền Hùng, sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, nguyện trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên. Sang những năm đầu Công nguyên (40 - 43), Hai Bà Trưng khi phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Hán đã đọc lời thề trên cửa sông Hát “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Các tài liệu sử sách sớm nhất ghi chép về Thời đại Hùng Vương là “Đại Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khẳng định và lý giải về nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam. Các nhà Hậu Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ.

Khi nước nhà được độc lập (2/9/1945), Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh quy định về những ngày lễ lớn hằng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch được nghỉ 1 ngày. Và cũng vào ngày 10/3 năm Bính Tuất 1946, giỗ tổ Hùng Vương – lễ hội đền Hùng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập được tổ chức trọng thể.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Điểm tựa của khối đại đoàn kết dân tộc - ảnh 2 Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VOV

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Sau khi giành độc lập, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ giỗ tổ Hùng Vương. Cũng thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn Chính phủ lên tận Phú Thọ dâng lễ, trong đó có dâng tấm bản đồ đất nước trọn vẹn Bắc-Trung-Nam đã nối liền và một thanh gươm tỏ rõ ý chí quyết tâm bảo vệ non sông."

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được bảo tồn và duy trì qua hàng ngàn năm lịch sử. Không chỉ bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có chung giống nòi “con Rồng cháu Tiên”; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được minh chứng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc qua hơn bốn ngàn năm văn hiến. Được trao truyền bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa quý báu ấy chính là hội tụ văn hóa cội nguồn và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về một di sản đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng này đã có chương trình hành động với sự tham gia rất tích cực của cộng đồng và người dân Việt Nam coi đó một  phần trong văn hóa và bản sắc của dân tộc."

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cội nguồn

Sau bao thế kỷ thực hành và trao truyền, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa, góp phần định vị những giá trị Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đó là giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đạo lý cao đẹp, độc đáo riêng có của người Việt. Bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là tiếp nối truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh tiếp sức cho thế hệ hôm nay và mai sau cùng xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nhấn mạnh: "Tỉnh Phú Thọ cùng với các nhà nghiên cứu, Nhà sử học và Viện Khoa học của Việt Nam… cùng nghiên cứu, thống nhất về nghi lễ thờ cúng Hùng Vương sao cho chuẩn mực nhất, gọn gàng và đầm ấm nhất. Ở các địa phương khác có các điểm và đền thờ Vua Hùng, chúng tôi chủ động liên hệ các tỉnh để cùng phối hợp cho lễ cùng diễn ra đồng bộ, đồng nhất tất cả những đồ vật thờ cúng. Đến nay, nghi lễ thờ cúng tổ tiên và dâng hương cho Vua Hùng cơ bản là đã được đồng nhất giữa các tỉnh với nhau."

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng được tổ chức ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm là một trong những hình thức biểu đạt cao nhất, tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ. Như một lời hẹn ước, cứ vào những ngày tháng 3, từng dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc lại hành hương về đất Tổ. Không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, ai cũng một lòng thành kính hướng về đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh. Những bước chân tìm về nguồn cội để cảm nhận rõ hơn hai tiếng “đồng bào” và  thêm tự hào là “con Lạc cháu Hồng”.

Ông Đặng Văn Ninh ở Thanh Hóa nói: "Chúng tôi rất xúc động… Các đời Vua Hùng đã dựng nên đất nước Việt Nam để chúng tôi được sống thanh bình, hạnh phúc như ngày hôm nay"; bạn Trịnh Ngọc Minh Hiền, du học sinh tại Hungary chia sẻ:" Dù là một người Công giáo nhưng tôi luôn nhớ ơn tổ tiên… Về đây cũng như về với cha mẹ… Dù có giàu nghèo, dù là dân tộc nào, thì chúng ta cũng luôn yêu thương nhau, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau để xây dựng đất nước và những nền tảng mà Vua Hùng đã để lại cho chúng ta." Và chị Trần Thu Hương – Việt kiều Czech, chia sẻ: "Tôi cũng đã tìm hiểu về tín ngưỡng Vua Hùng nhưng chỉ khi đến đây, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng… thì mới thấy cảm xúc trỗi dậy nhiều hơn. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm lan tỏa hơn những giá trị này đến với nhiều người."

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mãi mãi là điểm tựa cho khối đại đoàn kết dân tộc, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh của con người Việt Nam. Gìn giữ, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa cội nguồn cũng chính là cách để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác