Trọng trách lớn của Tổng thống Barak Obama trong chuyến công du châu Á

(VOV5) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Phillippines.  Chuyến công du kéo dài 1 tuần, từ  22 - 28/4, của ông chủ Nhà Trắng nhằm tái khẳng định chủ trương cân bằng chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra những cam kết của Mỹ về hợp tác chính trị và kinh tế đối với các đồng minh ở khu vực. Chuyến thăm được giới phân tích nhận định là chứa đựng nhiều thách thức đối với ông Barak Obama. 

Trọng trách lớn của Tổng thống Barak Obama  trong chuyến công du châu Á  - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà trắng, ngày 17/4 (Ảnh: AP)

Theo giới phân tích, chuyến công du châu Á lần này của ông chủ Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật tiếp tục leo thang, quan hệ giữa hai đồng minh của Washington là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trục trặc do tranh chấp về chủ quyền biển, đảo, trong khi bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tại Ukraina cũng như đàm phán hoà bình giữa Israel - Palestine, cuộc nội chiến ở Syria…cũng khiến Mỹ bị phân tâm trong việc theo đuổi chính sách hướng đến châu Á.

 

Khẳng định chủ trương cân bằng chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương

Trước thềm chuyến thăm, Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Evan Medeiros khẳng định Mỹ luôn cam kết đầy đủ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây không phải là vấn đề chính trị mà là bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh của Mỹ  tại khu vực này. Biểu hiện cụ thể cho quan điểm này là một lịch trình dày đặc của người đứng đầu Nhà Trắng tới 4 quốc gia châu Á, đặc biệt là 2 đồng minh chiến lược: Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên và cũng là nơi ông Barak Obama lưu lại lâu nhất. Theo dự kiến, Tổng thống Barak Obama sẽ dự đại tiệc do Nhật hoàng Akihito chủ trì và thăm ngôi đền Meiji ở thủ đô Tokyo. Tổng thống Barak Obama cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe về các biện pháp tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác an ninh cũng như quan hệ thương mại, bao gồm tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trả lời họp báo trước thềm chuyến thăm, ngày 21/4, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định Mỹ coi quan hệ đồng minh với Nhật Bản là hòn đá tảng trong chiến lược châu Á của Washington và cam kết hiện đại hoá mối quan hệ này.

 

Tại Hàn Quốc, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á, chương trình nghị sự chính của ông Barrak Obama cũng dày đặc các sự kiện thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước. Đó là thảo luận với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye về việc tăng cường quan hệ đồng minh và những diễn biến mới nhất của tình hình bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ dự kiến cũng sẽ có chuyến thăm các lực lượng lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại châu Á, trong đó có vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, sự hỗ trợ của Mỹ cho Hàn Quốc trong vụ chìm phà Sewol cũng sẽ là tiêu điểm trong cuộc gặp giữa Tổng thống Barak Obama và bà Park Geun-hye.

 

Trong chuyến thăm của Tổng thống Barak Obama tới Malaysia, 2 bên sẽ tập trung vào các vấn đề như đàm phán TPP, hợp tác an ninh, quốc phòng, an ninh biển và tranh chấp trên Biển Đông.

 

Tại chặng dừng chân cuối cùng, Philippines, Tổng thống Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết đối với an ninh của Manila. Theo Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Evan Medeiros, Tổng thống Barak Obama sẽ nhấn mạnh Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc là cơ chế rất quan trọng trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và Mỹ cho rằng cần đẩy mạnh quá trình xây dựng Bộ quy tắc này nhằm tạo ra một khuôn khổ tích cực và mang tính xây dựng để quản lý các tranh chấp lãnh thổ.

 

Thách thức đang chờ đợi

Trước hết phải khẳng định trong chuyến thăm châu Á, Mỹ phải đẩy mạnh vai trò trung gian hòa giải quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản vốn xấu đi do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Căng thẳng giữa hai đồng minh quan trọng này được xem là mối bận tâm lớn đối với Washington trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Vì vậy, việc hai nước đồng minh của Mỹ trong khu vực hợp tác để xây dựng mối quan hệ tốt hơn sẽ có lợi cho các bên.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, thuyết phục các nước, trong đó có Nhật Bản và Malaysia, đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là nội dung lớn trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, vòng đàm phán cấp Bộ trưởng diễn ra vào trung tuần tháng 4 giữa Nhật Bản và Mỹ về TPP đã thất bại khiến cho trách nhiệm của ông Barak Obama trong chuyến đi này nặng nề hơn. Đến nay, các cuộc đàm phán Nhật - Mỹ về TPP tuy đã đạt được những tiến triển nhất định nhưng việc áp dụng mức thuế quan cho 2 nhóm mặt hàng thịt (bò, lợn) và các sản phẩm sữa mà Nhật Bản bảo hộ thì chưa như mong đợi của Mỹ.

 

Ngoài ra, còn 1 nhân tố nữa ảnh hưởng ít nhiều đến chuyến thăm của ông Barak Obama là phản ứng quyết liệt của CHDCND Triều Tiên. Trong một tuyên bố ngày 21/4, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh chuyến thăm của ông Barak Obama đang cản trở cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và khởi động một cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á - Thái Bình Dương. CHDCND Triều Tiên không quên cảnh báo .nước này sẽ “nỗ lực tăng cường gấp đôi các biện pháp răn đe của mình để phòng vệ” đồng thời khuyên Mỹ nên xem xét lại các động thái có thể gây căng thẳng với Triều Tiên trước khi quá muộn.

 

Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Barak Obama là minh chứng cho thấy Mỹ vẫn rất quan tâm đến khu vực này tuy nhiên để hiện thực hoá mục tiêu của chuyến đi là thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu Nhà Trắng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác