Trung Quốc-Ấn Độ tăng cường lòng tin chính trị song phương

(VOV5) - Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hôm nay tới Bắc Kinh, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Á. Chuyến thăm là sự kiện đối ngoại quan trọng, đánh dấu 1 năm cầm quyền của ông N.Modi, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại cùng có lợi. Hơn cả kinh tế, điều mà hai bên trông đợi là chuyến thăm này sẽ đem đến sự tin cậy chính trị lớn hơn giữa hai quốc gia trong khu vực vốn có những mối bất hòa tồn tại dai dẳng nhiều chục năm qua.


Trung Quốc-Ấn Độ tăng cường lòng tin chính trị song phương - ảnh 1

Thủ tướng Modi vẫy tay khi bước xuống sân bay Tân An hôm 14-5. Ảnh: Twitter

Có thể thấy nỗ lực cải thiện quan hệ New Delhi - Bắc Kinh qua tần suất các chuyến thăm cấp cao. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 trong 12 năm qua của Thủ tướng Ấn Độ, trong khi đó cùng kỳ, New Delhi đã đón 6 chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đáng chú ý, việc Trung Quốc chọn Tây An, quê hương Chủ tịch Tập Cận Bình ở tỉnh Thiểm Tây làm nơi gặp gỡ, hội đàm là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh hết sức coi trọng cuộc gặp gỡ này và muốn gác lại những hiềm khích trong quá khứ với người láng giềng đông dân. 

Trong chuyến thăm lần này, ông N.Modi có các cuộc gặp chính thức với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tham dự hội nghị kinh tế tại thành phố Thượng Hải, gặp gỡ các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc. Các thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD dự kiến được ký kết trong chuyến thăm này. 

Những bất đồng tồn tại trong quá khứ

Trong vài thập niên qua, quan hệ Ấn-Trung lúc nóng lúc lạnh do tranh chấp biên giới. Trong quá khứ đã 3 lần Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành chiến tranh ở khu vực biên giới và đến thời điểm hiện tại hai bên vẫn chưa đạt được một giải pháp chính trị xử lý ổn thỏa và lâu bền sự căng thẳng này. Trung Quốc từng tuyên bố New Delhi đang tranh chấp 90.000km2 với Trung Quốc ở khu vực phía Đông dãy Himalaya. Còn Ấn Độ thì nói rằng Trung Quốc đã chiếm 38.000km2 lãnh thổ của Ấn Độ ở phía Tây cao nguyên Aksai Chin. Tháng 9/2014, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Ấn Độ để tham gia cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với ông N.Modi, quân đội hai bên đã đụng độ nhau ở khu vực Ladakh phía Tây dãy Himalaya. Từ đó đến nay những bất đồng này vẫn âm ỉ và chưa có hồi kết, thỉnh thoảng đụng độ lại xảy ra. Gần đây nhất, tháng 2/2015, Trung Quốc đã hết sức giận dữ và bất bình với việc Thủ tướng Ấn Độ N.Modi đến dự lễ kỷ niệm thành lập khu vực Arunachan Pradesh, khu vực biên giới có tranh chấp nhưng hiện do Ấn Độ kiểm soát. Bắc Kinh đã triệu đại sứ New Dehli lên trao công hàm phản đối, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Ấn Độ, song mong muốn phía New Dehli không có những hành động gây phức tạp vấn đề biên giới và giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán song phương.

Điểm nghẽn cho hợp tác song phương

Bất đồng là vậy nhưng hai nước cũng thường xuyên cố tìm tiếng nói chung về kinh tế. Từ năm 2000, quan hệ thương mại song phương Trung-Ấn đã phát triển với tỉ lệ trung bình hàng năm là 29%, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng thương mại của mỗi nước với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Xét trên nhiều khía cạnh, hợp tác Ấn-Trung là điều hoàn toàn tự nhiên vì hai nước đều có số dân gần bằng 1/3 dân số thế giới và hai nước đều là các nền kinh tế mới nổi của thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc luôn cần hợp tác phát triển kinh tế với Ấn Độ và ngược lại. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế Ấn-Trung đến nay chỉ thể hiện rõ trong các diễn đàn đa phương hơn là quan hệ song phương. Dù là nền kinh tế lớn ở châu Á nhưng Ấn Độ không nằm trong 10 đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng với quy mô của hai nền kinh tế này thì trao đổi thương mại Ấn-Trung hiện nay còn rất thấp so với tiềm năng thực sự. Để hợp tác kinh tế thành công như kỳ vọng, hai bên đều hiểu rằng cần phải giải quyết nhiều thách thức. Song cho đến nay, điểm nghẽn quan trọng trong quan hệ song phương Trung - Ấn chính là những bất đồng về đường biên giới. Vướng mắc cơ bản tiếp theo liên quan đến lợi ích địa chiến lược khi mà cả hai hiện đều nỗ lực gây dựng ảnh hưởng ở khu vực sử dụng nhiều đối tác khác làm đối trọng, đặc biệt là Mỹ và Pakistan. 

Vừa hợp tác vừa cạnh tranh

Có điều dễ nhận thấy là trong những năm gần đây, mặc dù nghi ngờ lẫn nhau về chiến lược và coi đối phương là mối đe dọa, nhưng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thành công trong việc đặt sự cạnh tranh chiến lược trong vòng kiểm soát, đồng thời đã mở rộng lĩnh vực có thể hợp tác. Trung Quốc mạnh về sản xuất hàng hoá và hạ tầng cơ sở, trong khi Ấn Độ ít lợi thế về hạ tầng cơ sở nhưng lại mạnh về dịch vụ và công nghệ thông tin. Trung Quốc mạnh về phần cứng (máy móc, linh kiện), Ấn Độ mạnh về phần mềm. Trung Quốc mạnh hơn trên thị trường sản phẩm, còn Ấn Độ mạnh hơn trên thị trường tài chính. Vì thế hai nước đều có nhu cầu phải tranh thủ lẫn nhau và chủ ý không để bất hòa ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có chung lợi ích trong việc phân hóa bên kia với các đối tác khác và kiềm chế lẫn nhau trong tập hợp lực lượng trong lẫn ngoài khu vực.

Nhận rõ lợi ích của hoà hoãn thay vì xung đột, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi là nhằm tăng cường lòng tin chính trị với Trung Quốc. Để phát triển mạnh mẽ, trở thành một cường quốc được thế giới thừa nhận thì Bắc Kinh không thể không cần đến sự hậu thuẫn của New Dehli và ngược lại. Những căng thẳng địa chính trị, những nhu cầu kinh tế đang buộc “hai gã khổng lồ ở Châu Á” phải hợp tác cùng nhau, giúp giảm bớt những nghi ngờ mất lòng tin trong lịch sử và sự cạnh tranh trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác