Vì sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp

(VOV5) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị quan trọng và là cơ hội để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này đang được triển khai tích cực tại các địa phương.

Vì sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp - ảnh 1Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. có cơ cấu phù hợp, là người tiêu biểu đại diện các ngành, các giới và các tầng lớp nhân dân.

Số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính thì căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dân số của từng đơn vị hành chính.

Bảo đảm dân chủ

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45 yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.

Vì sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp - ảnh 2Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: dangcongsan.vn

Tính đến ngày 14/1, các cơ quan liên quan đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến cuộc bầu cử. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành Kế hoạch 42 nêu rõ 16 mốc thời gian quan trọng trong kỳ bầu cử. Căn cứ vào mốc thời gian này, đến nay, Ủy ban bầu cử tại các tỉnh, thành phố; Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã đã được thành lập. Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương về Hội đồng bầu cử quốc gia. Tất cả 63 tỉnh, thành phố tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Qua lần hiệp thương này, tổng số người phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu. Tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,20 lần. Về số lượng người được giới thiệu ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu. Tỷ lệ này của cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần.

Trong những ngày tới, cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố số đơn vị bầu cử; danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến ở mỗi đơn vị bầu cử; công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã… Chậm nhất ngày 13/4/2021 sẽ niêm yết danh sách cử tri; chậm nhất ngày 28/4 sẽ lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”. Với nhận thức đó, công tác nhân sự, trong đó trọng tâm là cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng và quy trình lựa chọn, giới thiệu đại biểu là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử.

Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác bầu cử, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 21/1. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Quan tâm quán triệt thật tốt những tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là trong công tác cán bộ, lựa chọn bầu ra những đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự xứng đáng có đủ đức, đủ tài, đủ  trình độ, ngang tầm nhiêm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng”.

Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn về tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Việc chuẩn bị chu đáo, thận trọng ở từng khâu tổ chức, chuẩn bị nhân sự là yếu tố quyết định cuộc thành công của cuộc bầu cử này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác