Việt Nam đẩy mạnh hội nhập cùng Cộng đồng kinh tế ASEAN

(VOV5)- Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 48 hôm nay khai mạc tại thủ đô Vientian, Lào. Diễn ra lần đầu tiên sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, Hội nghị lần này tiếp tục hướng trọng tâm vào các nội dung ưu tiên của trụ cột kinh tế, thúc đẩy thực hiện Kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025. Việt Nam, với tư cách 1 nước thành viên, tiếp tục có những đóng góp thực chất cho tiến trình này.

Việt Nam đẩy mạnh hội nhập cùng Cộng đồng kinh tế ASEAN - ảnh 1
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48



Ngày 31/12/2015 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong chặng đường 48 năm hình thành và phát triển của ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời với mục tiêu hướng tới một khu vực ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao. Các quốc gia đặt ra mục tiêu là hài hòa chiến lược kinh tế, tham vấn chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính, tăng cường kết nối hạ tầng...


AEC tạo động lực phát triển

Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Mục tiêu của AEC bao gồm xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, một khu vực phát triển đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. 7 tháng qua kể từ khi AEC ra đời, các nước ASEAN chú trọng thực hiện tự do hóa 3 lĩnh vực lớn đó là tự do hoá thương mại hàng hoá, tự do hoá thương mại dịch vụ, tự do hoá đầu tư, tài chính và lao động. Cụ thể, các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm thuế, cải cách thủ tục hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác.

Việt Nam đẩy mạnh hội nhập cùng Cộng đồng kinh tế ASEAN - ảnh 2
Thủ tướng Lào phát biểu tại Hội nghị



Để đạt mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh, AEC thời gian qua hướng vào 4 hoạt động chính gồm chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, để tạo lập một khu vực ASEAN phát triển đồng đều, ASEAN đã xem xét xây dựng một chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết lập một khung chương trình chung cho các doanh nhân ASEAN và triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN. ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hội nhâp mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế toàn cầu.


AEC mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam

Việc AEC hình thành đánh dấu một dấu mốc trong tiến trình hội nhập của ASEAN. Sự trưởng thành của hiệp hội mang lại lợi ích cho cả khu vực trong đó có Việt Nam. AEC tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Không chỉ thị trường trong ASEAN mà còn mở rộng ra các nước ngoài khu vực ASEAN, bởi các nước ASEAN hiện nay đều có những hiệp định hợp tác, nhất là các hiệp định về tự do thương mại với các đối tác thương mại lớn trên thế giới. Và cũng thông qua AEC, tạo điều kiện tăng thêm sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. PGS,TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó chủ nhiệm khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế, đại học Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: “Cơ hội thị trường quá rõ ràng với doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường ở đây là thị trường hơn 600 triệu dân, lớn thứ 3 trên thế giới. Và thị trường này lại ở ngay bên cạnh chúng ta, tức là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với các nước trong khu vực không quá xa như Việt Nam với EU, Mỹ hay Nhật. Cho nên doanh nghiệp phải nhìn thấy ngay cái lợi bên cạnh mình.”


Nỗ lực hội nhập toàn diện trong ASEAN

Nhận thức được những cơ hội từ AEC mang lại, Việt Nam ngay từ trước khi AEC ra đời đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, Việt Nam còn kịp thời đưa ra những chính sách cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực của nền kinh tế. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Ví dụ vừa qua Việt Nam đã ban hành nghị quyết 19 về cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực chính phủ. Đây có thể coi là cú hích quan trọng để các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ nộp thuế, thời gian lưu hải quan. Tất cả những cái đó đi cùng đồng bộ với việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực của mình thì rất tốt cho việc hội nhập thành công vào AEC.”


Cùng với ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực hội nhập, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế kinh tế cho thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Một AEC hội nhập toàn diện sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ cho Việt Nam, tuy nhiên đi kèm là nhiều thách thức. Vì vậy tham gia Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất, đóng góp sáng kiến cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện Kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác