Việt Nam đóng góp tích cực vào kết quả kỳ họp Đại hội đồng LHQ

(VOV5)- Khóa họp thứ 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc kết thúc hôm 26/9 tại thủ đô Washington của Hoa kỳ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình thương lượng, chuẩn bị các văn kiện quan trọng của kỳ họp.

 

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), đoàn Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên Liên hợp quốc thảo luận việc thực hiện các định hướng lớn về phát triển như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chương trình Hành động Addis Ababa về Tài chính cho Phát triển, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai...

Việt Nam đóng góp tích cực vào kết quả kỳ họp Đại hội đồng LHQ - ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận cấp cao khóa 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc. - Ảnh: Báo An ninh thủ đô


Tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng và tại Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Quyền Phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về sự cần thiết phải “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, khẳng định VN đánh giá cao vai trò và hoạt động của LHQ, mong muốn LHQ đảm nhiệm tốt hơn nữa vai trò trung tâm trong thực hiện SDGs và đề cao việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỳ (MDGs), khẳng định Việt Nam cam kết nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ mới, tạo thuận lợi trong thương mại.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định Việt Nam nhận thức rõ chương trình nghị sự 2030 hoàn toàn phù hợp với đường lối phát triển của đất nước và việc thực hiện thành công các SDGs sẽ đưa đất nước phát triển vững mạnh, hoà bình, không bị tụt hậu, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với nhận thức đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện chương trình nghị sự có tính chuyển đổi toàn diện và sâu sắc này. Một thuận lợi lớn là Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển bền vững 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể của quốc gia. Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam đã lồng ghép, “nội địa hóa” các SDGs với các chỉ số cụ thể về kinh tế - xã hội - môi trường, như đến năm 2020, phấn đấu đạt 80% dân số có bảo hiểm y tế, 95% dân số thành thị và 90% dân số nông thôn có nước sạch, tỉ lệ che phủ rừng đạt 40%... Hiện Việt Nam đang tích cực hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các SDGs; nhiều Bộ ngành đã tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, phổ biến về SDGs và thảo luận về các biện pháp thực hiện thành công SDGs. Đó là những đóng góp lớn của Việt Nam vào việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác