Chủ tịch Quốc hội: Giáo dục góp phần thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết lẫn nhau

(VOV5) - Đó là nội dung chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU 140.
Chủ tịch Quốc hội: Giáo dục góp phần thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết lẫn nhau - ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận chung của IPU – 140. - Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

Chiều 7/4, (theo giờ địa phương), phát biểu tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU 140, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh các nghị sỹ đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ ngân sách, giám sát Chính phủ triển khai các kế hoạch hành động trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời còn là cầu nối, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong xã hội về ý nghĩa quan trọng của giáo dục vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Trong tiến trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam luôn đặt ưu tiên phát triển đi đôi với bền vững, đề cao giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, Việt Nam là một trong những hệ thống giáo dục đạt sự phát triển ấn tượng. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng được Việt Nam hết sức chú trọng, kết hợp với giáo dục phổ thông và đại học nhằm bổ sung lực lượng kỹ sư khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ.

Đóng góp vào những thành tựu đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua, sửa đổi nhiều văn bản luật quan trọng như Hiến pháp, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, tăng cường giám sát nhằm nâng cao chất lượng đổi mới giáo dục ở Việt Nam; và đang tiến hành sửa đổi Luật giáo dục: "IPU tiếp tục đổi mới hoạt động, nhằm tăng cường hiệu quả và vai trò đối với các Nghị viện thành viên, thúc đẩy nghị viện thành viên thực hiện các khuyến nghị trong các nghị quyết đã được Đại hội đồng thông qua. Tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác giữa các quốc gia và các tổ chức khu vực, quốc tế, tạo nguồn lực hỗ trợ tối đa các quốc gia gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các chương trình giáo dục toàn diện, bao trùm vì sự phát triển bền vững. Tăng cường giáo dục pháp luật trong nhà trường và hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện về nội dung này. Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và Nghị viện các nước thực hiện các Nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần vào việc xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác