Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018

(VOV5) - Báo cáo tập trung vào chủ đề năng suất lao động trong bối cảnh quốc tế và đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 - ảnh 1

Quang cảnh lễ công bố - Ảnh: economy.vn

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Chính trị Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu về thị trường lao động để tăng năng suất”. 

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm nay tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ về thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: "Để tăng năng suất lao động Việt Nam đòi hỏi nhiều chính sách, từ thay đổi chính sách, công nghệ, thị trường. Chúng tôi cho rằng những trục trặc trong thị trường lao động tạo sự kìm hãm năng suất lao động ở Việt nam. Ví dụ sự dịch chuyển công việc của người lao động để có năng suất lao động cao hơn còn hạn chế. thứ 2 là những cơ quan đơn vị có khả năng tạo thông tin thị trường cho người lao động không phát huy tác dụng. Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng vậy. Tất cả những điều đó không phát huy được năng lực cá nhân, không tạo ra được động lực để cá nhân tích lũy kỹ năng tri thức để nâng cao năng suất".

Dựa trên tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế, bao gồm 4 khía cạnh: Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tiếp thu khoa học công nghệ ở các ngành và phát triển thị trường lao động; điều chỉnh mức tăng lương nói chung, lương tối thiểu nói riêng phù hợp với mức tăng năng suât lao động không bị chi phối bởi ý muốn chủ quan; thứ 3 là cần hiểu rõ về xu hướng việc làm và lựa chọn nghề nghiệp của lao động trẻ để cải cách và cuối cùng là cần thúc đẩy, lan tỏa năng suất lao động thông qua lực lượng lao động xuất khẩu hồi hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác