Sân khấu 2018 – gắng gỏi để thức tỉnh công chúng

(VOV5) - Những sự kiện nổi bật của sân khấu 2018, tiếp động lực để phát triển nghệ thuật sân khấu trong năm mới này.

Nhìn lại hoạt động sân khấu suốt năm qua, điểm nhấn là các kỳ cuộc được tổ chức công phu, có sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ, khơi lại trong công chúng của vùng có sự kiện về một hình thức sân khấu từng rất được  yêu mến. Thêm vào đó, công tác xã hội hóa sân khấu cũng đã đi vào chiều sâu, có thêm những đơn vị sân khấu xã hội hóa hoạt động tốt, với những tiêu chí riêng và hướng tới những phân khúc khán giả khác nhau. 

Trước hết phải nhắc tới sự kiện kỉ niệm 100 năm sân khấu cải lương ra đời. Từ bước khởi đầu là những bài bản đờn ca tài tử, hát chập (hát đối đáp) tiến tới bước ca ra bộ (vừa ca vừa làm điệu bộ, động tác diễn tả) để rồi hoàn chỉnh trở thành một thể loại sân khấu kịch hát, chặng đường một thế kỷ để có một bề dày cho cải lương hiện đại. Hào hứng đón chờ dịp này, người làm nghề vui mừng với những sự kiện được tổ chức như Hội thảo khoa học 100 năm nghệ thuật cải lương thu hút sự tham gia của rất đông các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ; Vở diễn Thầy Ba Đợi được nghệ sĩ cải lương cả ba miền tập hợp trong tác phẩm này và được công diễn ở cả hai trung tâm lớn Hà Nội và thành phố HCM. Chuỗi sự kiện kỉ niệm 100 năm cải lương của các nghệ sĩ ở tp HCM suốt cả tuần lễ ở nhiều nơi trong thành phố... Liên tục các sự kiện khiến năm kỉ niệm tròn thế kỷ cải lương ra đời và phát triển được các nghệ sĩ tổ chức, có sức lan tỏa khá đậm nét trong đông đảo công chúng.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phát biểu: “Một thế kỷ cải lương Việt Nam – 1918 – 2018 là quãng thời gian dài đủ để tạo nên một thời điểm cho việc nhìn nhận, đánh giá, tìm hiểu kỹ càng về đặc trưng của thể loại, tạo ra những yếu tố mới trong quá trình cải cách hát ca theo tiến bộ/ liên truyền tuồng tích sánh văn minh, trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Cải lương luôn uyển chuyển tiếp biến với các tố chất văn hóa nghệ thuật dân tộc, với những điều kiện phát triển cụ thể của nhận thức, kinh tế, chính trị, xã hội. Chúng ta đang hướng tới một dự kiến gương mặt mới của sân khấu cải lương trong thế kỷ 21 sau 100 năm đã hình thành và phát triển.”

Loạt các kỳ cuộc như: Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố HCM, Liên hoan Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Long An, Cuộc thi Tài năng xiếc tại Hà Nội, Liên hoan Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch ở Quảng Ngãi, Liên hoan sân khấu Thủ đô... có nét mới dễ nhận thấy là: đã có sự tham gia khá tích cực của các đơn vị xã hội hóa, cũng là những đợt tổng duyệt đội ngũ làm nghề, giúp các cơ quan quản lý nắm được thực trạng hoạt động của các hình thức sân khấu.

Sân khấu 2018 – gắng gỏi để thức tỉnh công chúng - ảnh 1Liên hoan sân khấu Thủ đô 2018 - Ảnh: Báo Pháp luật và dân sinh 

Nhà báo Thanh Hiệp, người theo dõi sân khấu nhiều năm nhận xét: “Thời điểm này ai đầu tư cho cải lương phải nói là rất liều lĩnh.  Phía Nam các đơn vị hoạt động xã hội hóa cũng tương đối có nhiều vở, nhiều nhóm, ví dụ như nhóm của sân khấu Lê Hoàng, nhóm của nghệ sĩ Chí Linh... nhóm của nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long, nhóm của nghệ sĩ Diễm Thanh, nhóm của nghệ sĩ Vũ Linh… thì họ cũng đã gắn liền với hoạt động làm sao để mỗi tháng có một vở diễn, có thể là dựng vở cũ, cũng có thể là dựng vở mới. . Một số đơn vị xã hội hóa vẫn hoạt động mang tính chất là nước lên thì thuyền lên.”

Sân khấu xã hội hóa ở miền Nam dù không nở rộ như thời kỳ trước, nhưng các đơn vị có thương hiệu nghệ thuật vẫn phát huy tốt vai trò của mình, chú trọng hơn tới chất lượng nghệ thuật, khai thác các khía cạnh nhân văn nhân bản của tác phẩm. Ví dụ vở Tiên Nga của Sân khấu IDECAF đã khẳng định được chất lượng nghệ thuật cũng như cách dàn dựng sáng tạo của NSUT Thành Lộc, xứng đáng đại diện cho vở diễn sân khấu ở giải Mai Vàng khá uy tín của báo Người Lao động.

Hay sân khấu phía Bắc vốn trầm lắng thì nay cũng đã rõ nét xu hướng với các đơn vị của các nghệ sĩ như Lệ Ngọc, Trần Lực...Nếu sân khấu của NSND Lệ Ngọc xây dựng các vở diễn với màu sắc dân gian khá rõ nét, khai thác tốt chất liệu của xã hội nông nghiệp, tham dự nhiều Liên hoan khu vực và quốc tế,... thì sân khấu của NSƯT Trần Lực hướng tới đối tượng thanh niên với cách dàn dựng có tiết tấu nhanh mà lại ăn khớp ngọt ngào với cách xử lý không gian thời gian của sân khấu kịch hát truyền thống. Anh cho biết: “Tôi sáng lập đoàn kịch riêng của mình, vì tôi nhìn thấy là đoàn kịch của tôi có sự khác biệt. Sự khác biệt này sẽ kéo được khán giả. Khán giả họ không ghét sân khấu, mà bởi sân khấu của chúng ta có ít tác phẩm hay nên họ không đến xem. Bây giờ sân khấu có những sản phẩm tốt, hay, thì chắc chắn khán giả sẽ đến. Cái hay làm sao nghệ sĩ phải có những tác phẩm hòa cùng cuộc sống bây giờ. Khán giả bây giờ là khán giả của thế kỷ 21, mà chúng ta vẫn dựng kịch, dựng chèo như thế kỷ 20, tức là cách đây mấy chục năm rồi, thì ai họ xem được.”

Năm 2018 cũng là năm mà Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có rất nhiều các hoạt động lớn, thể hiện được vai trò khởi xướng để sân khấu liên tục có các sự kiện, gắng gỏi để sân khấu không bị lãng quên. Ngoài kết hợp với các cơ quan quản lý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để tổ chức thành công các Liên hoan, Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp, Hội còn đứng ra tổ chức Liên hoan Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch ở Quảng Ngãi, Liên hoan sân khấu Thủ đô và hàng loạt các hội thảo như Hội thảo nâng cao chất lượng các tác phẩm sân khấu, Hội thảo Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam, Hội thảo Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam- Trung Quốc, kế thừa và phát triển, Hội thảo 100 nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang… và nhiều hoạt động giao lưu với sân khấu các nước… Ngày sân khấu Việt Nam đã được tổ chức tốt và có được tác động với công chúng qua loạt vở diễn nhân dịp này.

Sân khấu 2018 – gắng gỏi để thức tỉnh công chúng - ảnh 2Vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam mở màn Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP HCMvào tháng 4/2018 - Ảnh: Báo Hà Nội mới 

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Trong cơ chế thị trường này dù chúng ta có rất nhiều những loại hình nghệ thuật của thế giới hay của trong nước hoạt động rất sôi nổi, mà chúng ta quên đi những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống thì đấy là chúng ta có lỗi. Nên các đơn vị nghệ thuật từ TP HCM rồi Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và Nghệ An vẫn đăng ký tham gia. Trong hoạt động chung chúng tôi vẫn hướng tới làm sao để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Sân khấu hiện nay đang rơi vào những trạng thái, những khoảng lặng hết sức trầm. Nếu chúng ta không hoạt động, càng rơi vào những khoảng lặng, khán giả cũng sẽ quên đi.”

Song không phải mọi điều của sân khấu đều đáng mừng. Bởi lượng người xem đích thực, sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé đến rạp hiện nay vẫn còn quá ít ỏi, sức lan tỏa của những vở diễn vẫn còn hạn chế. Chưa có được một vở diễn nào có sức nặng như tác phẩm bom tấn để buộc khán giả phải đến rạp thưởng thức, tự hào khi có tấm vé trong tay... để thực sự lay thức khán giả. Thêm vào đó, còn là rất nhiều điều chưa thuận cho công cuộc sáng tạo sân khấu hiện nay như cơ sở vật chất còn chưa tốt, đầu tư chưa đủ cả về công sức lẫn kinh phí, số lượng nghệ sĩ nhiều nhưng chưa tinh, rồi nhiều chính sách chưa song hành cùng sự phát triển như việc chưa có những chính sách đồng bộ trong ưu đãi đối với các doanh nghiệp tài trợ cho sân khấu, giao quyền quản lý mà chưa hoàn toàn được tự quyết của lãnh đạo đối với tập thể nghệ sĩ khi vẫn còn bị định biên trói buộc, không có được những ngoại lệ cho những tài năng đích thực...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác