“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne

(VOV5) - Triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Anh Thư tại Thụy Sĩ.
“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 1Khu rừng kỳ diệu V, 2022, acrylic, sợi tự nhiên trên canvas, 60 x 80cm - Tranh của Nguyễn Anh Thư

Nguyễn Anh Thư sinh năm 1997, tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Việt Nam, hiện là một họa sĩ, nghệ sĩ độc lập làm việc ở Bienne, một thành phố nhỏ gần thủ đô Bern của Thụy Sĩ.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ trẻ tại nước này diễn ra từ 5/5 đến 28/5/2023 tại gallery Nathalie Jean-Louis, thành phố Bienne.

Phong cảnh thiên nhiên được gìn giữ tuyệt vời ở Thụy Sĩ đã tạo nhiều cảm xúc cho Anh Thư sáng tác nên chuỗi tác phẩm có tên “Khu rừng kỳ diệu”, được trưng bày tại triển lãm lần này.

Những bức tranh kết hợp giữa hiện thực và trừu tượng với hòa sắc tươi sáng, đậm tính châu Á, cho thấy một sức sống trong trẻo, tươi mát của tuổi trẻ.

“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 2Ngày khai mạc triển lãm tranh mùng 5/5 cũng vào dịp Ngày lễ hội Thứ 6 đầu tiên hàng tháng trong khu phố cổ của thành phố, vì thế khách vào tham quan triển lãm đông. 

Bà Nathalie, chủ gallery Nathalie Jean-Louis chia sẻ cơ duyên gặp gỡ và quyết định triển lãm tranh của Nguyễn Anh Thư tại gallery của mình: “Tôi biết đến nghệ sĩ Thu Nguyen qua mạng xã hội Instagram. Khi tra cứu trang của cô thì phát hiện ra một không gian đầy chất thơ đưa ta trở lại với thời thơ bé vô tư. Các tác phẩm của cô vẽ ra một thế giới yên bình và an toàn.

Cá nhân tôi cảm thấy tuyệt đối bình yên bên các bức vẽ ấy và điều tuyệt vời nhất là con người Thu cũng giống hệt những tác phẩm của cô. Ý tôi muốn nói rằng các bức họa của tác giả này phù hợp với con người bằng xương bằng thịt của cô ấy. Thật là xúc động khi có may mắn được gặp những con người như vậy, hòa hợp với số phận của mình.”

“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 3Bà chủ gallery Nathalie Jean-Louis và họa sĩ Nguyễn Anh Thư

Triển lãm có tên “Sức sống”, với 20 bức tranh được nữ họa sĩ trẻ sáng tác từ năm 2020 đến 2023, sử dụng chất liệu arcyclic, sơn dầu trên toan, vẫn theo phong cách Nguyễn Anh Thư theo đuổi, mang thông điệp về sự sống, về môi trường, về thiên nhiên.

“Tôi chọn những đề tài chính về thiên nhiên, mang tính ước lệ., không diễn tả từng lá cây ngọn cỏ nhưng khi nhìn tranh người xem có thể biết được đấy là một bức tranh về mùa xuân, mùa hạ hay mùa đông, là cỏ cây mà không diễn tả chi tiết.Đề tài tiếp theo là đề tài về sinh vật biển. Tôi khá là nhớ biển của Việt Nam. Ở Thụy Sĩ thì hoàn toàn không có biển, nên tôi vẽ rất nhiều về biển khơi: cá, sứa..., nhưng đều mang tính ước lệ.

Bản thân tôi thấy mình như là một con cá bơi trong đại dương rộng lớn, luôn đi tìm chính mình, tìm những điều mới mẻ. Thế giới này rất rộng lớn mà tôi chỉ là một con cá nhỏ.” - Anh Thư nói.

Kết hợp sự trừu tượng với chủ nghĩa hiện thực thông qua acrylics trên canvas, Nguyễn Anh Thư cũng sáng tạo nghệ thuật kỹ thuật số với Procreate, Canva, Sketchbook và Skerches. Cô nói: “Tôi vẽ liên quan đến thiên nhiên, vẻ đẹp, tâm linh, ước mơ, tưởng tượng và thực tế. Mục tiêu của tôi trong cuộc sống là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có thể phản chiếu ánh sáng, hy vọng, hạnh phúc và niềm vui”.

“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 4Một góc triển lãm của Nguyễn Anh Thư tại gallery Nathalie Jean-Louis

“Với arcylic tôi nghiên cứu và sử dụng, áp dụng những màu nhũ, màu phát sáng đắp lên xanh để có được những hiệu ứng thay đổi khác nhau trên tranh khi có sự thay đổi của ánh sáng. Ví dụ một thời điểm trong ngày, như vào buổi sáng có nhiều ánh nắng mặt trời thì màu nhũ sẽ cho một sự phản chiếu rất đặc biệt, rất bắt mắt. Buổi chiều tà khi ánh sáng ít dần thì màu đó thay đổi và hầu như không còn nhìn thấy sự bắt sáng đấy nữa. Ngoài ra tôi sử dụng đa chất liệu, sử dụng sợi tự nhiên gắn trên tranh cùng với arcylic. Những sợi tự nhiên từ cây cỏ khi gắn lên tranh có thể tạo những tạo hình khác nhau.”

Nguyễn Anh Thư thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ ông ngoại (họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân), và mẹ (họa sĩ Nguyễn Mai Hương). Cô nhớ lại: “Ngay từ bé ông ngoại hay cho tôi ngồi trên đùi ông khi ông vẽ. Bố mẹ đi làm thì ông trông tôi, và hai ông cháu cứ vẽ với nhau cả ngày. Từ đấy trrong tôi có niềm đam mê về nghệ thuật. Sau này lớn lên, với sự định hướng của mẹ, tôi bước vào con đường hội họa..”

Trưởng thành từ Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Anh Thư nói cô rất biết ơn những thầy cô – những họa sĩ giỏi và yêu nghề ở mái trường có truyền thống lâu đời, đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách của cô hiện nay đang theo đuổi trong hội họa, hiểu những chất liệu, những hình ảnh mang bản sắc Việt Nam, đậm chất Á Đông nhưng với cách thể hiện đương đại, dung hòa hai nền văn hóa: “Vì trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì phong cách ấn tượng, thừa hưởng từ thời Pháp, những chất liệu của Việt Nam hay châu Á nói chung thường là màu sắc tươi sáng, những hình tượng ước lệ.”

Điều đặc biệt ở cô gái nhỏ này, ngoài khát vọng tìm tòi tự thân trong mỗi người làm sáng tạo nghệ thuật, là một tinh thần học hỏi rất khoa học. Khi còn là sinh viên, Thư đã tham dự rất nhiều workshop của Trường Mỹ thuật Việt Nam, Viện Goethe, các đại sứ quán… tổ chức để tìm hiểu và học những cái mới.

“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 5Anh Thư trình bày tham luận trong Hội thảo của Biennale Bắc Kinh

Năm 2015 có một kỷ niệm sâu sắc với cô sinh viên mỹ thuật Anh Thư, khi ấy, mẹ cô - họa sĩ Nguyễn Mai Hương có tác phẩm được tuyển chọn tại Biennale Bắc Kinh.

Lẽ ra đi với mẹ theo tiêu chuẩn trợ lý, Anh Thư lại không ngần ngại viết một bài tham luận cho Hội thảo trong Bienale và được Ban tổ chức chọn, mời là đại biểu chính thức tham dự với bài tham luận sau đó được in trong sách của Hội thảo “The 6 th Intrernational Art Biennale”. Và cũng khởi đầu từ thời sinh viên ấy, Nguyễn Anh Thư đã được tham gia triển lãm  ở nhiều sự kiện nghệ thuật quốc tế tại Paris (Pháp), Venice Budapest (Hungary), Miami (Mỹ),  Cusco (Peru), Thụy sĩ và Hà Nội.

Nguyễn Anh Thư bắt đầu tham gia những triển lãm nhóm tại Biene từ năm 2021, 2022. Sau triển lãm lần này, năm nay Anh Thư còn ba triển lãm, chung với các nghệ sĩ khác là triển lãm trong thành phố nơi tranh được trưng bày ở các cửa hàng vào tháng 10, và triển lãm "October Rose" rất ý nghĩa ủng hộ các phụ nữ mắc bệnh ung thư vú , cũng như  triển lãm riêng "Màu hy vọng" tại sảnh một bệnh viện.

“Tại bệnh viện thành phố Yverdon les-bains là triển lãm cá nhân, tôi sẽ trưng bày khoảng 40 bức tranh tại sảnh bệnh viện. Ở Thụy Sĩ có tổ chức Các bệnh viện vùng bắc Vaudois (EHnv) chuyên tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong bệnh viện. Những tác phẩm nghệ thuật này đều phải mang thông điệp tích cực, tươi sáng. Họ cho rằng nghệ thuật có thể chữa lành bệnh tật hay tâm hồn, nên trong các bệnh viện họ sẽ trưng bày ba tháng tác phẩm của một nghệ sĩ, tại khắp các sảnh của bệnh viện để bệnh nhân và bác sĩ thưởng thức nghệ thuật. Ở Thụy Sỹ mục tiêu luôn là đưa nghệ thuật vào cuộc sống.” - Thư nói.

“Sức sống” thanh xuân mỹ thuật Việt ở Bienne - ảnh 6“Hành trình II” (Journey II), 2023 Acrylic trên canvas, 80x80cm - Tranh của Nguyễn Anh Thư

Như một con cá nhỏ bơi tìm lối đi riêng, tìm niềm vui, hạnh phúc trong đại dương nghệ thuật, con đường hội họa của Nguyễn Anh Thư vẫn đang ở những chặng đầu tuổi thanh xuân, nhưng người xem tranh cô mong mỏi nữ họa sĩ sẽ giữ mãi được tinh thần ấy.

Nói như bà chủ gallery Nathalie Jean-Louis thì: “Quan điểm của tôi là tác phẩm của Thu Nguyen có ích cho thế giới, đặc biệt là ở kỷ nguyên chúng ta đang sống. Chúng mang lại sự bình yên và mộng mơ như một liệu pháp chữa lành tâm hồn. Nên tôi không muốn dùng từ “tiềm năng” mà là cụm từ “có ích lợi với cộng đồng” để nói về tác phầm của Thu Nguyen. Ai có may mắn được tiếp xúc với tranh của cô theo một cách sâu sắc để hiểu được ý nghĩa của chúng đều sẽ nhận cảm được nhiều điều tốt lành.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác