Triển lãm điêu khắc - tranh “Chân dung”: Chân dung của mỗi nghệ sĩ

(VOV5) - Với cá tính và sở trường riêng, các họa sĩ trong nhóm G39 sẽ thể hiện như thế nào, để tạo sự riêng biệt nhung hài hòa trong một triển lãm?

Chào đón Giáng sinh 2017 và năm mới 2018, vừa qua, Gallery 39 tổ chức Triển lãm điêu khắc - tranh “Chân dung” trưng bày khoảng 40 tác phẩm của 16 họa sĩ thuộc nhóm G39 tại TP.Hội An.  

Triển lãm điêu khắc - tranh “Chân dung”: Chân dung của mỗi nghệ sĩ  - ảnh 1

Đã tổ chức hơn 10 triển lãm với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, vậy niềm cảm hứng nào khiến lần này nhóm G39 triển lãm chủ đề chân dung? Với vai trò là giám tuyển của triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương “bật mí”: “Tại sao lại bày chân dung? Bởi chân dung có một đặc điểm rất là lạ, tức là phải giống mẫu, mình vẽ bạn phải ra khuôn mặt của bạn chứ không phải là người khác. Thứ hai, phải ra chất của người vẽ. Bởi có thể vẽ rất giống ông A bà B, nhưng không ra được cái quan niệm hội họa của người vẽ thì mới chỉ dừng ở mức độ truyền thần hoặc chụp ảnh. Nhưng nếu ngược lại cũng không được. Nói gì thì nói, cuối cùng nó vẫn phải là tranh và phải đẹp”

Triển lãm điêu khắc - tranh “Chân dung”: Chân dung của mỗi nghệ sĩ  - ảnh 2Tác phẩm "Đàn bà" (chất liệu Acrylic) của Phạm Trần Quân. 

Lần này 16 họa sĩ trong nhóm hội ngộ, giới thiệu những khoảnh khắc họ đã nắm bắt được thần thái con người thông qua những bức họa, những tác phẩm điêu khắc, bằng nhiều chất liệu khác nhau. Mỗi tác giả lại chọn cách đặt điểm nhấn riêng cho mình.

Dựng chân dung qua các mảnh gốm ghép trên cốt composite một cách tối giản như quan niệm nghệ thuật bấy lâu mình theo đuổi, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nhấn mạnh sự đa diện, phức tạp trong con người. Họa sĩ Phương Bình thì dựng tượng tôn vẻ đẹp đường cong người phụ nữ đồng thời khắc họa tâm lý ưu tư, nhiều xáo trộn của họ. Họa sĩ Đỗ Dũng đặt điểm nhấn bằng các mảng miếng, màu sắc khoáng đạt, còn họa sĩ Tào Linh để nhân vật trong sự đối thoại trầm lặng của hình lẫn màu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dựng chân dung của chính mình trong miền suy tưởng đầy ký tự, màu sắc. Họa sĩ Hồng Phương chồng đè, lớp lang mà vẫn cách điệu…

Đây là lần thứ hai, họa sĩ Hoàng Phương Liên tham gia triển lãm cùng nhóm, sau lần đầu tiên là triển lãm “Ghép”. Ở triển lãm này, chị có hai bức chân dung tự họa, một bức in lưới vẽ chính diện, một bức xé giấy vẽ sau lưng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Tôi thích tác phẩm của nữ họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên vì nó lạ về chất liệu. Thường các họa sĩ vẽ sơn dầu trên vải thì chị Liên xé giấy. Và chân dung của chị là bán thân, nhưng lại hay là nhìn từ đằng sau, tự họa nhưng mà vẫn nhận ra nhân vật”.

Với quan niệm “Nhìn mặt mà bắt hình dong”, phần lớn các họa sĩ vẽ cái thần thái của khuôn mặt, riêng họa sĩ Nguyễn Trần Quân lại khác. Anh “bắt” dáng mà “bỏ” mặt. Qua dáng để anh diễn tả vẻ đẹp của người phụ nữ. Qua dáng, để người phụ nữ nào cũng thấy có bóng dáng mình trong đó.

Vẫn là những nét thẳng, nét ngang, nét xổ rất mạnh mẽ, khảng khái của một họa sĩ vốn xuất thân là một võ sĩ karate chuyên nghiệp, Nguyễn Trần Quân chiếm trọn cảm xúc của khán giả qua chùm 4 bức chân dung phụ nữ, với những dáng hình tươi tắn, khỏe mạnh: “Bởi vì tôi muốn bất cứ người phụ nữ nào xem tranh của tôi đều thấy có bóng dáng mình ở trong đó. Tôi quan niệm vẽ tranh chân dung cũng là chân dung của chính tôi, tôi vẽ tôi. Và tôi vẽ bỏ nền, không chồng đè, không cầu kỳ để thể hiện cảm xúc đầu tiên của tôi đến lúc nào hết thì tôi dừng…”

Anh Phạm Vũ Tùng là một nhà thiết kế thời trang yêu thích hội họa. Phần lớn các họa sĩ trong nhóm G39, anh đều có quá trình theo dõi lâu dài. Trong nhà của nhà thiết kế thời trang này hiện treo khá nhiều tranh của các họa sĩ trong nhóm. Anh nhận thấy ở họa sĩ Nguyễn Trần Quân những điều khác biệt: “Tác phẩm của anh thực sự không có rõ ràng về hình khối, nhưng thực sự mang đến cảm giác rất mạnh. Tinh thần rất tuyệt vời. nét vẽ của một người từng học võ rắn giỏi. Vì thực ra trong cuộc sống không phải lúc nào mọi thứ cũng rõ ràng. Đôi khi chỉ cần những hình khối, những nét thôi mà gây cho người ta những cảm hứng. Và đó là điều mà anh Quân đã gây được cảm hứng cho bản thân tôi”

Một tác giả nữa mà anh Phạm Vũ Tùng cũng rất ấn tượng ở những nét vẽ mạnh mẽ, đó là nữ họa sĩ Bình Nhi: “Chị Bình Nhi một tác giả nữ cũng có những nét vẽ rất mạnh mẽ, chị hay vẽ về hoa sen. Những bức chân dung tự họa của chị có cảm giác như có hoa có cây cỏ có thiên nhiên cứ bay xung quanh cuộc sống của chị. Đó cũng là một nét rất đẹp của một tác giả nữ”.

Triển lãm điêu khắc - tranh “Chân dung”: Chân dung của mỗi nghệ sĩ  - ảnh 3Tác phẩm "Gương mặt" của Nguyễn Minh. 

Các họa sĩ tham gia gồm: Trịnh Tú, Đỗ Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Phương Bình, Tào Linh, Hoàng Thị Phương Liên, Lê Thiết Cương, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Trần Quân, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi, Trần Gia Tùng, Nguyễn Minh, Nguyễn Minh Hiếu, Hoàng Anh Tuấn. 16 họa sĩ, mỗi họa sĩ một phong cách mà phong cách ấy không chỉ ở những bức tranh vẽ chân dung mà là phong cách thống nhất và xuyên suốt trong suốt quá trình sáng tạo của họ.

Với mục tiêu đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, sau hơn 2 năm từ khi thành lập, nhóm họa sỹ G39 đã thực hiện hơn 10 triển lãm với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau.

Vẽ bột mầu trên nền báo cũ, vẽ trực họa làng Cự Đà, tôn vinh giấy dó, triển lãm tranh kết hợp nghề thủ công, triển lãm tranh kết hợp chương trình ca nhạc, triển lãm tranh vẽ trên cảm hứng ca từ và âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

“Chân dung” là sự tiếp nối của chuỗi hoạt động nhóm G39 trong năm 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác