Gìn giữ văn hóa dân tộc qua các nghi lễ truyền thống dịp Tết Nguyên đán

(VOV5) - Không gian trưng bày Tết Cung đình giới thiệu lễ Chính đán thời Lê Trung hưng, là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.

Hôm nay (02/02, tức 23 tháng Chạp năm Quý Mão), nghi lễ “Tống cựu nghinh Tân” với nhiều hoạt động độc đáo đã được thực hành tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). “Tống cựu nghinh Tân” (Tiễn cái cũ để đón năm mới về) gồm chuỗi các nghi lễ: Lễ cúng ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, thướng tiêu. Đây là những nghi lễ được tổ chức trang trọng trong Hoàng cung Thăng Long xưa, thể hiện sự hưng thịnh của quốc gia, sự bình an, no ấm cho nhân dân. Tham dự nghi lễ, tại điện Kính Thiên, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cùng Ban Tổ chức làm lễ cúng ông Công ông Táo và làm nghi lễ dựng cây nêu tại không gian trước Đoan Môn.

Gìn giữ văn hóa dân tộc qua các nghi lễ truyền thống dịp Tết Nguyên đán - ảnh 1Thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo là một nét văn hóa truyền thống được người dân Việt lưu giữ qua bao đời nay. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Cùng với việc thực hành nghi lễ cung đình, dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức trưng bày phong tục Tết Nguyên đán dân gian truyền thống và nghi lễ Tết cung đình. Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở Kinh thành với các phong tục, như: Thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh, câu đối Tết, đốt pháo Tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc Tết, mừng tuổi, thú chơi hoa Tết... Không gian trưng bày mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất Kinh kỳ xưa. Trong khi đó, không gian trưng bày Tết Cung đình giới thiệu lễ Chính đán thời Lê Trung hưng, là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Các hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết Giáp Thìn).

Cùng ngày, tại Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nghi lễ thượng nêu theo phong tục cung đình ngày xưa của triều Nguyễn. Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Khác với lễ thượng nêu ở ngoài dân gian, lễ thượng nêu của cung đình có ý nghĩa đặc biệt. Trong Hoàng cung trồng cây nêu báo hiệu Tết tới, triều đình treo lên cây nêu một cái ấn để tượng trưng cho sự chấm dứt sự kiện hành chính, nghỉ Tết bắt đầu. Đến khi triều đình đi làm việc trở lại người ta hạ cây nêu ấy lấy cái ấn khai ấn đầu năm”.

Lễ hạ nêu được tiến hành vào mùng 7 Tết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác