(VOV5) - Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VOV |
Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), ngày 20/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lực lượng báo chí không quản khó khăn, nguy hiểm, lăn lộn ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch COVID-10.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lực lượng báo chí cả nước, tiếp tục phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến.
Tối 21/6, tại Thủ đô Hà Nội, diễn ra Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021. Từ 2 nghìn tác phẩm tham dự giải, qua nhiều vòng lựa chọn, Ban tổ chức quyết định trao: 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả suất sắc nhất, trong đó Đài Tiếng nói Việt Nam giành được 2 giải A, 2 giải B và 2 giải C.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết:"Công cuộc phòng chống Covid - 19 là nội dung chủ đề rất nóng hổi và được cả xã hội quan tâm. Trong rất nhiều tác phẩm dự thi lần này thì đề cập đến đề tài này và cũng rất nhiều tác phẩm đoạt giải cũng có về đề tài về Covid - 19. Trong tất cả các thể loại báo in, truyền hình, phát thanh, đến báo điện tử, ảnh đều có đề tài về phòng chống Covid-19. Ngoài ra, chúng ta cũng có một chủ đề rất quan trọng là những nỗ lực hồi phục phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, nhất là trong những tháng cuối năm 2021".
Ngày 20/6, Hội Nhà báo Thành phố Cần Thơ tổng kết trao Giải báo chí Phan Ngọc Hiển TP. Cần Thơ lần thứ XVI năm 2021 – 2022. Giải báo chí Phan Ngọc Hiển lần thứ XVI tiếp nhận 192 tác phẩm của 107 tác giả và 56 nhóm tác giả gửi tham dự giải. Qua các vòng chấm thi, có 93 tác phẩm được chọn vào Chung khảo, trong số này có 48 tác phẩm đạt các giải nhất, nhì, ba và Khuyến Khích.
Phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” -Ảnh: VOV |
Sáng 21/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dụng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng phát biểu hưởng ứng lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” - Ảnh: VOV |
Phát biểu tại đây, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho rằng: "Phong trào được phát động, giúp các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm từ cấp lãnh đạo đến từng phóng viên, nhà báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Với các tiêu chí cho cơ quan báo chí và người làm báo được đưa ra rõ ràng và cụ thể, thiết thực, sẽ góp phần giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng. Sứ mệnh đó là gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Dịp này, nhiều địa phương đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí và trao thưởng báo chí năm 2022.
Chiều 21/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, làm việc với Báo Đại biểu Nhân dân. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo chí đã phản ánh trung thực “hơi thở của cuộc sống” tại diễn đàn Quốc hội và là kênh để cử tri, Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan nhà nước nói chung. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Báo Đại biểu Nhân dân phải là một trong những cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số, mục tiêu phát triển là trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa phương thức, phát triển các nền tảng báo chí số, nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ việc phân phối nội dung số trên không gian mạng.