Xây dựng nông thôn mới cần dựa trên nền tảng là giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng

(VOV5) - Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới. 

Ngày 17/2, tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2023.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới cần dựa trên nền tảng là giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật riêng có của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng: Mỗi địa phương có một nguồn lực, có tri thức bản địa, có tài nguyên bản địa để chúng ta kể một câu chuyện, trước tiên để cho người dân ngay tại cộng đồng đó thấy rằng mình cũng được người khác tôn trọng, mình có một lịch sử văn hóa, có sự khác biệt. Chúng ta kích hoạt nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh tri thức, hạnh phúc, sự hợp tác đoàn kết của cộng đồng - người dân để đứng lên làm chủ nông thôn.

Tính đến tháng 2/2023, cả nước có 255 đơn vị cấp huyện (chiếm khoảng 39,6%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, 5 tỉnh gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, cả nước đặt mục tiêu có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác