Phủ Điềm - Nét đẹp văn hóa truyền thống Việt

(VOV5) - Di tích lịch sử Phủ Điềm - huyện Tiên Lữ - tỉnh Hưng Yên mới đây vinh dự được trao bằng bảo trợ của tổ chức UNESCO.

Đây là kết quả sau những nỗ lực bảo vệ di tích lịch sử quốc gia của người dân huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để giữ gìn những giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam.

Di tích lịch sử Phủ Điềm được xây dựng vào thời hậu Lê để tôn thờ công ơn của bẩy anh em nhà họ Tạ, là những người có công đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn, gây dựng non sông đất nước thời vua Hùng Vương thứ 18. Phủ Điềm được Bộ văn hoá – thông tin (nay là bộ văn hoá thể thao và du lịch) xếp hạng vào năm 1998. Được xây dựng theo hình chữ Đinh với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo. Hiện di tích còn lưu giữ 7 Cỗ Ngai, Uốn Thần, Xà Tích, Khánh Đá, Thần Tích, Sắc Phong.. Với những nỗ lực giữ gìn và bảo tồn di tích lịch sử lâu đời, mới đây Phủ Điềm đã vinh dự nhận được bằng bảo trợ của tổ chức UNESCO.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, cho biết: "Chúng tôi xúc động lắm, không biết nói gì hơn bởi vì việc đón bằng này không chỉ có thể hệ chúng tôi vinh dự, mà tôi tin rằng khu di tích lịch sử sau khi được đón bằng chắc chắn sẽ được kiến thiết ngày một tôn tạo và sẽ trở thành một khu di tích lịch sử vô cùng quý báu để giành lại cho đời con cháu chúng tôi".

Lễ hội Phủ Điềm được tổ chức hàng năm từ ngày 13-15.3 âm lịch. Lễ hội Phủ Điềm được bảo tồn nhằm giáo dục các thế hệ mai sau luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống Việt, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Ông Vũ Văn Hồng., Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh: "Bảo tồn tất cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt là các cơ quan đoàn thể, thì Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng là một trong những đơn vị có trách nhiệm động viên bảo trợ và có những biện pháp tích cực để toàn dân hiểu được về ý nghĩa của việc bảo tồn các di sản văn hóa của Việt Nam".

Hưng Yên là một tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng trên cả hai lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để góp phần củng cố bản sắc văn hóa địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác