Bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong cộng đồng

(VOV5) - Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Việt Nam vừa đón nhận Bằng Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của Việt Nam, khẳng định giá trị của di sản này.

Bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong cộng đồng - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu gồm các lễ cúng, nghi lễ lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy, tỉnh Nam Định. Các thực hành tín ngưỡng thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tỉnh Nam Định được coi là trung tâm với khoảng 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và lưu truyền từ ngàn đời nay.

Ngày 1/12/2016, trong phiên họp toàn thể Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Ủy ban chính thức ra nghị quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành văn hóa đã triển khai chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản này. Chương trình hành động gồm: Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản. Để phát huy tốt giá trị Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho biết: Quan trọng nhất vẫn là giáo dục đội ngũ những người hành nghề của tín ngưỡng này. Đồng thời cho người dân hiểu rõ, tín ngưỡng này không chỉ là có lên đồng mà còn có lễ hội, sáng tạo văn chương. Phân biệt ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín của hầu đồng".

Để giữ được những giá trị truyền thống tín ngưỡng thờ Mẫu, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa ở Việt Nam đã xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật cung tiến, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc, cách thức ban phát lộc thánh… Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cho rằng: “Hầu đồng cách tiến hành phải đúng, chuẩn, không được biến dạng, kể cả biến dạng về động tác, biến dạng cả về lời hát văn. Đặc biệt là không được thương mại hóa và nếu như thế thì nó làm mất đi giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền và quản lý, điều chỉnh, góp ý kiến vì văn hóa tín ngưỡng tế nhị và tâm linh".

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng đã công bố “Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, từ năm 2017 - 2019 thực hiện các hoạt động nhận thức xã hội về nghi lễ hầu đồng, phục hồi một số hoạt động lễ hội, sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng trang web về Tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ năm 2020 - 2022 thực hiện các hoạt động truyền dạy hát văn, quảng bá di sản, hoàn thành và cập nhật kiểm kê quốc gia về việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng, thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung. Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho biết: “Tìm cách quản lý thích hợp để người dân ý thức hơn về hành vi tín ngưỡng của họ. Quan trọng là tác động những chủ thể của văn hóa này để tự họ thay đổi, họ có ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với di sản và bảo vệ di sản. Kinh nghiệm cho thấy  nếu nhân dân đứng ngoài cuộc thì không thể nào thành công được".

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Bảo tồn và phát huy giá trịc Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại.

Phản hồi

Các tin/bài khác