Chùa Ông Mẹt - Di tích cấp quốc gia ở tỉnh Trà Vinh

(VOV5) - Chùa Ông Mẹt tọa lạc ở số 50/1 đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. 

Chùa Ông Mẹt là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở tỉnh Trà Vinh của người Khmer theo Phật giáo Nam Tông còn gần như nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc Khmer. Ngôi chùa này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 3 tháng 3 năm 2009.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Chùa Ông Mẹt tọa lạc ở số 50/1 đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Tại tỉnh Trà Vinh có 3 cổ tự (chùa cổ) và cũng là đại tự (chùa lớn), gồm: chùa Âng, chùa Hang và chùa Ông Mẹt, trong đó chùa Ông Mẹt được các tư liệu lịch sử ghi nhận là chùa cổ nhất.
Là nơi đặt Văn phòng Trị sự của Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay, chùa Ông Mẹt có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ. Từ chùa Ông Mẹt, Phật giáo Nam Tông Khmer ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống, tinh thần của dân tộc Khmer.
Chùa Ông Mẹt - Di tích cấp quốc gia ở tỉnh Trà Vinh - ảnh 1Chánh điện chùa Ông Mẹt. Ảnh: Ngọc Anh

Cũng giống như các chùa Khmer khác, chùa Ông Mẹt gồm nhiều công trình kiến trúc như: cổng, chính điện, sala (nhà hội), cột cờ, tăng xá, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.

Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, trụ trì chùa Ông Mẹt, cho biết: "Chùa hình thành năm 642. Trước đây chùa có tên là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến vì trước đây có bến đò có dòng sông, các con rạch để thuyền bè neo đậu. Sau này chùa đặt tên là Bodhisàlaraja, tức là cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ, cây bồ đề ví như vua của các loài cây.

Dựa trên truyền thuyết là có một tượng phật ở trên cây bồ đề trong con rạch. Phát hiện có tượng phật nổi trong ao người ta khiêng về chùa, nhưng không khiêng nổi và cũng không vớt được tượng phật lên khỏi mặt nước. Bỗng nhiên ban đêm có một vị thánh tăng báo mộng cần làm lễ cầu an lễ đăng quang. Sau đó lấy sợi chỉ buộc vào tượng phật kéo. Khi người dân làm theo cách báo mộng đó thì tượng phật hiển linh được kéo lên về chính điện hiện nay. Chùa rộng 12.700 m2. Chùa đang trùng tu và dự kiến năm 2023 hoàn thành."

Chùa Ông Mẹt - Di tích cấp quốc gia ở tỉnh Trà Vinh - ảnh 2Lớp học ở chùa Ông Mẹt. Ảnh: Ngọc Anh

Cổng chùa Ông Mẹt được xây dựng vững chãi và oai nghiêm, với 8 cột trụ nâng đỡ mái cổng. Trên đầu mỗi cột đều được chạm khắc hình chim thần Keyno như muốn gửi lời mời chào thân thương tới du khách vào tham quan. Hai bên cổng là các bờ tường đẹp trang trí bởi các cặp rắn bảy đầu, là biểu tượng linh thiêng đối với người Khmer. 

Ngôi chánh điện được dựng bằng 32 trụ cột bằng gỗ quý, chia thành 4 hàng. Ở mỗi đầu cột và xiên ngang đều được chạm trổ hoa văn sơn son thếp vàng. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam Bộ. Trên bệ thờ bên trong chánh điện là tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen cao 4,4 m, dài 5 m và rộng 4,3 m. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong các chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Nếu từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian.

Phía sau chánh điện là Thư viện với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, gian giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.

Chùa Ông Mẹt là nơi học tập, đào tạo nhiều thế hệ sư sãi cho các ngôi chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh, trong đó có nhiều vị danh tăng đạo cao đức trọng có nhiều đóng góp cho đạo và đời, như: Sư cả Sơn Vọng, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Maha Sơn Thông, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại lão hòa thượng Maha Thạch Sa rây, Phó Chủ tịch Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Đại đức Sơn Kenne ở chùa ông Mẹt cho biết: "Phật giáo Nam tông thì chùa nào cũng mở lớp học, sơ cấp có trung cấp cũng có. Có chùa mở sơ cấp năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Ở đây đang mở lớp trung cấp phật học năm thứ 3, sơ cấp gồm năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Sơ cấp 3 năm trung cấp 4 năm khóa học thành 7 năm. Có lớp học chư tăng và phật tử học."

Tỉnh Trà Vinh có 143 chùa thì chùa nào cũng mở lớp học. Học viên đủ mọi lứa tuổi, thành phần từ học sinh, người lớn đến các phật tử, nhà sư. Từ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh lên chùa Ông Mẹt học, sư Kim Hoàng Trung cho biết: "Một năm cũng giống như học bình thường 9 tháng. Tuy nhiên mỗi tháng nghỉ 4 ngày. Học 10 môn, nội dung học môn tiếng Khmer thì áp dụng chương trình giảng dạy giống như đại học. Học 4 tiếng 1 môn. Chính tả học từ lớp 1 đến 12, tiếng Khmer, toán, văn, tiếng Bali… Thày giáo ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh lên dạy. Thày tự nguyện đi dạy, dạy học miễn phí. Thày đi học Tiến sĩ ở Ấn Độ về dậy tiếng Bali."

Chùa Ông Mẹt hội tụ nét đặc sắc văn hóa Khmer và cũng một biểu tượng của hệ phái Nam Tông Khmer Nam Bộ. Ngôi chùa không chỉ là nơi thực hành các nghi lễ tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, chùa Ông Mẹt trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn với du khách gần xa mỗi khi tới thăm tỉnh Trà Vinh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác