Sum họp dòng họ trong dịp Tết khơi dậy ý thức cội nguồn

(VOV5)- Sinh ra ở làng, lớn lên đi làm xa,  mỗi dịp lễ, Tết lại về làng, đó là một đặc điểm của nhiều người đang sinh sống ở các thành phố.

Hành trang của họ bước vào đời chính là truyền thống gia đình, dòng họ và những đặc tính văn hóa làng xã nổi bật. Khi trưởng thành, dù ở cương vị nào, với họ quê hương, dòng họ vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc. Trở về quê hương là trở về với nguồn cội để có thêm động lực và ý chí phát triển sự nghiệp của mình.

Tết Bính Thân này, những ngôi nhà thờ dòng họ ở các miền quê thêm ấm cúng hơn với sự trở về sum họp của thành viên ở nơi xa về ăn Tết.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Sum họp dòng họ trong dịp Tết khơi dậy ý thức cội nguồn - ảnh 1
Tục về thăm nhà thờ họ đầu năm đã thành một nét truyền thống - Ảnh: Nguyễn Thị Nhật/vnexpress.net

Đã thành thông lệ, Tết đến gia đình anh Nguyễn Văn Học sống ở Hà Nội về quê chúc Tết họ hàng, trước tiên phải đến ngôi nhà thờ của dòng họ Nguyễn của mình để sắp lễ, thắp nén hương thơm dâng lên tổ tiên của dòng họ trong ngày đầu năm. Việc làm này với anh là sự tri ân và cũng là cách để tự dặn với lòng mình và răn dạy con cháu không bao giờ quên truyền thống và luôn hướng về cội nguồn. Mặc dù công việc bận rộn và nhiều mối quan hệ xã hội, nhưng năm nào anh Nguyễn Văn Học vẫn luôn duy trì nghi lễ này. Theo anh, truyền thống của gia đình và dòng họ là nền tảng tạo nên truyền thống của địa phương, làng xã. Nếu dòng họ mạnh thì làng xã mới mạnh. Do vậy, mỗi một người cần có ý thức và hành động trở về với gia đình, dòng họ mỗi khi có thời gian, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc: “Tôi nghĩ rằng, Tết là cơ hội tốt nhất để chúng ta trở về với tổ tiên, nguồn cội. Đó là dịp để chúng ta biết và hiểu hơn về truyền thống dòng họ cũng như văn hóa bản địa của nơi mình sinh ra. Bây giờ, có điều kiện kinh tế hơn, người Việt không phải chỉ ăn Tết mà đang chuyển sang chơi Tết. Tôi vẫn thường nói với vợ con tôi rằng chúng ta nên dành thời gian về quê, thắp hương tại nhà thờ của  dòng họ vừa để xin lộc tổ tiên vừa để con cái có ý thức dòng họ gia đình hơn. Muốn biết người khác thế nào, muốn hội nhập cuộc sống, điều trước hết cần biết mình là ai, mình từ đâu đến trước đã.”

Trong khoảng hai thập niên gần đây, xu hướng trở về nguồn cội, các sinh hoạt dòng họ tại các làng quê đang được khôi phục. Nhiều nhà thờ họ được trùng tu hoặc xây mới; nhiều gia phả dòng họ được sưu tầm, dịch và phổ biến rộng cho các thành viên trong họ; các hoạt động về nghi lễ thờ cúng tổ tiên được thực hiện bài bản theo đúng truyền thống. Đặc biệt là việc lập các ban điều hành dòng họ để lo việc học tập, khuyến học, giáo dục truyền thống cho con cháu được tổ chức phổ biến và hoạt động hiệu quả. Những hoạt động này mang lại nhiều giá trị tinh thần và vật chất cho các thành viên của dòng họ, trở thành một nét sinh hoạt ích lợi chung cho dòng họ.


Theo ông Nguyễn Văn Thư, trưởng tộc họ Nguyễn ở tỉnh Phú Thọ, trong đời sống hiện nay có quá nhiều mối lo toan và ai cũng phải căng sức để lao động. Vì vậy mỗi người cần phải tạo ra sự cân bằng, tĩnh tại để điều hòa sự thăng bằng và ngôi nhà ở quê, nhà thờ của dòng họ là địa chỉ tâm linh, gần gũi nhất để cho họ trở về.  Ông Nguyễn Văn Thư  cho biết: “Tôi dám khẳng định, với người Việt, không có gì nuôi dưỡng ý thức hướng thiện, hướng về cội nguồn bằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng như văn hóa dòng họ. Khi giỗ Tổ hoặc khi Tết đến, đứng trước bàn thờ Tổ tiên trong nhà thờ của dòng họ, ai cũng cảm nhận sự linh thiêng của quan hệ huyết thống trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Lúc đó, thấy tự hào lắm, thiêng liêng lắm. Nhiều người trong họ, công tác xa không về được, cũng gửi tôi vàng mã, lễ lạt và dặn rất kĩ tôi báo cáo tổ tiên thay cho anh ấy.”

Trong bối cảnh của sự giao thoa văn hóa hiện nay, xu hướng mất gốc đang là nguy cơ, đặc biệt là đối với một bộ phận của lớp trẻ, thì việc phục hưng của văn hóa dòng họ có ý nghĩa lớn chống lại nguy cơ đó. Mỗi bàn thờ trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ là một nơi giáo dục, răn dạy con cháu trong họ, trong làng làm người tốt cho xã hội.  Cũng theo anh Nguyễn Văn Học tất cả những sinh hoạt mang tính gắn kết, phát triển dòng họ sẽ là sự kết nối chính đáng và thiêng liêng để các thành viên trong họ đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau về vật chất lẫn tinh thần để ổn định và phát triển đời sống: “Dân có giàu nước mới mạnh. Vì vậy mỗi người dân phải có ý thức tốt về dòng họ của mình có như vậy mới có ý thức tốt  về dân tộc, đất nước. Vì vậy khi bản thân mình đã là một phần trong dòng họ thì mình phải có trách nhiệm về dòng họ của mình, phải nhớ tới tổ tiên mình là ai, giỗ chạp vào ngày nào. Đặc biệt chính văn hóa dòng họ, sự sum họp của tất cả con cháu trong ngày Tết như thế này sẽ là nền tảng để người ta có thể ý thức nhiều hơn về dân tộc, đất nước. Đó cũng là sự phát triển ý thức cá nhân từ Làng ra Nước”

Văn hóa dòng họ là nền tảng của văn hóa nông thôn Việt Nam. Ngày Tết là dịp sum họp, tôn vinh và giáo dục văn hóa dòng họ trong cộng đồng. Văn hóa dòng họ tỏa sáng và có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống khi trở thành nơi đến và chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong tâm thức mỗi người. Từ nghìn năm, văn hóa dòng họ là yếu tố cấu thành chính của văn hóa làng, góp phần làm giàu các giá trị văn hóa Việt Nam.

Nén tâm nhang tại nhà thờ họ trong ngày Tết là thông điệp văn hóa của của những người con xa quê nói riêng, người Việt nói chung: Làng còn thì nước còn. Ý thức về cội nguồn, rộng hơn là ý thức về dân tộc luôn đậm sâu trong tiềm thức của mỗi người Việt hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác