Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

(VOV5)-  Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội hiện đã dẫn đầu cả nước với 50 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, 178/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn đang ngày một khang trang, văn minh hơn, đời sống của nông dân ở Thủ đô cũng từng bước được nâng lên. Điểm bứt phá vươn lên của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới là chọn dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá.

Về thăm quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội bà Trịnh Thị Hữu Khoát, 80 tuổi, hiện cư trú tại 370, đê La Thành, quận Đống Đa tự hào về sự thay da đổi thịt của quê hương. Cách đây chỉ vài năm thôi, mỗi lần về thăm quê đi lại rất khó khăn, đường xá lầy lội, lại thiếu điện chiếu sáng. Vậy nên khi biết có chương trình xây dựng nông thôn mới sửa chữa đường xá, làm mương nội đồng…dù đã xa quê hàng chục năm, bà vẫn tích cực tham gia đóng góp, nay thấy bộ mặt quê hương thay đổi bà rất tự hào:“Bây giờ về thì khác hẳn đi, đường thì đổ bê tông vào đến tận làng, còn đường trong xóm lát bê tông hết, thẳng tắp. Đèn cao áp sáng choang. Ô tô con về đến tận cổng. Tiến bộ lắm, cuộc sống khá lắm.”

Không chỉ riêng xã Cự Khê, Hà Nội hiện có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là địa phương dẫn đầu về số xã đạt chuẩn trong cả nước. Để có được kết quả đó, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình năm 2010, Ban chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã chỉ đạo định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, lựa chọn công tác dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá. Để xây dựng nông thôn mới cần có phương thức nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, tạo ra các vùng chuyên canh hiệu quả cao, tạo nguồn vốn bền vững đầu tư xây dựng nông thôn. Việc dồn điền đổi thửa là đòi hỏi tất yếu phục vụ lập quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi với tầm nhìn dài hạn cho khu vực nông thôn.Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Công Soái cho biết: “Hiệu quả tốt nhất đó là cơ chế chính sách để thực hiện về công tác dồn điền đổi thửa, về xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Dồn điền đổi thửa đối với Hà Nội không phải là 1 trong 19 tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, nhưng nếu không dồn điền đổi thửa được thì việc sản xuất theo quy hoạch, sản xuất hàng hóa, sản xuất tập trung, rồi để nâng cao sản phẩm chất lượng của cây trồng vật nuôi sẽ rất khó thực hiện, cho nên chúng tôi tập trung quyết liệt vào công tác dồn điền đổi thửa.”

Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới  - ảnh 1
Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Anh/Báo Kinh tế và đô thị

Việc dồn điền đổi thửa ban đầu được thực hiện tại 1 xã điểm theo chương trình của Trung ương, tiếp đến thực hiện tại 3 xã điểm của thành phố và sau đó là các xã điểm của các huyện. Nhiều vùng trồng lúa cho thu nhập thấp sau khi dồn điền đổi thửa, nông dân đầu tư tập trung nay đã chuyển sang chuyên canh hoa, rau an toàn, trồng cây ăn quả…cho thu nhập mỗi héc-ta từ 70 đến 100 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 2, 3 lần so với trước. Ông Đinh Quan San, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa cho biết:“Dồn ruộng được thì bà con bố trí được thâm canh chuyển đổi tốt, chỗ sâu thì đa canh lúa, nuôi cá, thả vịt, chỗ cao thì trồng cây màu, cây ăn quả. Thủy lợi được đào đắp lớn, tưới tiêu điều hành cũng dễ. Dồn ruộng để đưa các giống mới vào thâm canh mới hiệu quả. Trước dồn ruộng có 40 triệu ha, sau khi dồn ruộng đã phát triển lên được hơn 70 triệu ha. Sau dồn ruộng, người nông dân làm đồng cũng nhàn hơn, trước đây 16, 17 ô làm rất bận, cấy gặt hàng tháng không xong, bây giờ cấy gặt chỉ trong một tuần xong hết. Thời gian nhàn rỗi để đi làm việc khác tạo thu nhập cho nông nghiệp, nông thôn.”

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt khu vực nông thôn của thủ đô đang không ngừng được nâng cấp và cải thiện. Hiện 100% số xã đã có đường ô tô cứng hóa đến trụ sở xã; đường trục thôn, liên thôn cứng hóa trên 95%; số xã có tổ chức thu gom rác thải đạt 98%; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 90%... Hà Nội đang triển khai công tác tổng kết rút kinh nghiệm ở các xã đã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sức lan toả ra các xã khác. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội thời gian tới tập trung vào việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao; củng cố vai trò của các Hợp tác xã và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác