Mỹ coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á - Thái Bình Dương

(VOV5) - Đây là nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á trong bản báo cáo về quan hệ Việt-Mỹ  được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) công bố sáng 2/10.


Mỹ coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 1
Buổi công bố báo cáo của CSIS


Với tựa đề “Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Việt: Làm sâu sắc quan hệ sau 2 thập kỷ bình thường hóa”, báo cáo của CSIS tập trung vào 3 trụ cột chính trong quan hệ Việt-Mỹ: hợp tác chính trị và an ninh, quan hệ thương mại và đầu tư, và quan hệ nhân dân, bao gồm cả hợp tác về giáo dục, y tế và môi trường.

Báo cáo nhận định, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến quốc phòng và văn hóa. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện coi Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn tại châu Á-Thái Bình Dương và 2 nước đang chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế.


Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Scot Maciel đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương: “Trong lĩnh vực ngoại giao, chúng tôi đã phối hợp rất hiệu quả với Việt Nam tại ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, APEC…Việt Nam là một đối tác tốt trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Theo báo cáo của CSIS, cả Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và thương mại tại Biển Đông, ngăn ngừa sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ và đảm bảo giải quyết các xung đột biển bằng biện pháp hòa bình. Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương thì duy trì quan hệ một cách chiến lược với Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng trong việc hình thành các lợi ích chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á.

Báo cáo của CSIS cho biết quan hệ kinh tế đang là nền tảng và động lực của quan hệ đối tác Việt-Mỹ. 12 năm sau khi 2 nước ký hiệp định thương mại song phương, thương mại 2 chiều đã đạt 25 tỷ USD vào năm 2013.

Bên cạnh những đánh giá về quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm qua, bản báo cáo đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Theo đó, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán hiệp định TPP, tăng cường đối thoại chính phủ về thương mại và đầu tư, đối thoại giữa doanh nghiệp 2 nước, nới lỏng các hạn chế và bảo hộ thương mại. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo đúng tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước. Các chuyên gia CSIS cũng đề nghị chính phủ Mỹ thực hiện đầy đủ kế hoạch tẩy độc dioxin tại các sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa cũng như hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam./.

                                                            Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác