Bản Tuyên ngôn Độc lập và giá trị tư tưởng văn hóa Việt Nam

(VOV5) - Ngày 2/9/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tròn 70 năm qua, bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tự quyết, quyền được sống chính đáng của dân tộc Việt Nam, vẫn còn giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc. 

Bản Tuyên ngôn Độc lập và giá trị tư tưởng văn hóa Việt Nam - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập


Bản Tuyên ngôn bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và đọc trước Quốc dân đồng bào ấy, không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược thiên tài của Đảng cộng sản Việt  Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là văn kiện hùng ca công bố với thế giới rằng nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập như các nước khác, như quy luật bất biến của lịch sử và loài người tiến bộ trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập không những khẳng định quyền tự do, độc lập, tự chủ, tự quyết của dân tộc Việt Nam mà còn khẳng định ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mình.


 Văn bản pháp lý hiện đại


Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện pháp lý chính thống không chỉ công bố cho nhân dân Việt Nam, mà còn tuyên bố với thế giới về nền độc lập dân tộc của nước Việt Nam là hiển nhiên, là quy luật tồn tại của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh  khẳng định cuộc đấu tranh giành tự do độc lập của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Theo đó, một dân tộc đã gan góc chống ách thực dân hơn 80 năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít từ năm 1941 - 1942, dân tộc đó phải được tự do, độc lập. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định thực tiễn không thể thể chối bỏ được đó là cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi".


Cùng với việc khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền của một quốc gia với toàn thể cộng đồng quốc gia trên thế giới, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.


Sự tiếp nối những giá trị của nhân loại


Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, để khẳng định các quyền con người của Việt Nam  Sử dụng những trích dẫn trong những mốc son của sự nghiệp giải phóng con người của nhân loại ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng ngay cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi. Giáo sư, phó tiến sỹ Nguyễn Thế Thắng, nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ: “Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những quyền cơ bản của con người mà nhân dân Việt Nam được hưởng nhưng đã bị đế quốc, thực dân giày xéo lên. Cho nên chúng ta đã làm cách mạng để giành lấy những quyền phổ biến của con người, chính là quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc, khát vọng, nguyện vọng sống của con người Việt Nam cũng như là của dân tộc Việt Nam”.


Việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc là một sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới. Đây cũng là cống hiến về nguyên lý lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại. Tiến sỹ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi nhớ một nhà khoa học lớn của Nhật bản đã nói rằng cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị xã hội đó là phát triển tư tưởng về quyền cá nhân thành quyền của dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập. Điểm này là rất quan trọng. Đối với các dân tộc thuộc địa thì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện, là tiền đề của quyền con người. Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa có lãnh tụ quốc tế nào đề cập đến phương thức hưởng thụ quyền của các dân tộc thuộc địa”.


Giá trị trường tồn


Sự ra đời bản “Tuyên ngôn Độc lập” thực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Văn kiện này có giá trị trường tồn, định hướng cho sự phát triển của dân tộc Việt  Nam.  Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn bằng chiến thắng năm 1975 và hiện nay đang ra sức hoàn thiện nền độc lập đó, quyền dân tộc cơ bản đó và quyết tâm thực hiện độc lập - chủ quyền - thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó là quyền dân tộc cơ bản, thiêng liêng. Thứ hai là phát triển đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội tức là tạo dựng một xã hội tốt đẹp, tức là xã hội vì con người mà ngay từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 cũng đã hướng tới mục tiêu vì con người với 3 chữ độc lập, tự do, hạnh phúc. Đấy chính là sự kế thừa những giá trị nhân văn, giá trị xây dựng, phát triển đất nước mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã mở ra.


Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, “quyền được sống, tự do, bình đẳng, bác ái” của bản Tuyên ngôn Độc lập cách đây  tròn 70 năm, tiếp tục là kim chỉ nam cho toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục đấu tranh xây dựng và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác