Dấu ấn hợp tác kinh tế trong quan hệ Việt – Hàn

(VOV5) - Năm 2017, Việt Nam - Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đánh giá về  thành quả hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, các nhà ngoại giao 2 nước đều khẳng định sau 1/4 thế kỷ, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển nhanh, vững chắc, thực chất và toàn diện. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, 2 nước đã thu được những kết quả ấn tượng.

Dấu ấn hợp tác kinh tế trong quan hệ Việt – Hàn  - ảnh 1


Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21 Việt Nam – Hàn Quốc” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tháng 11/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác hợp tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myeong Bak.


Những con số hợp tác ấn tượng


Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Sau 25 năm thiết lập quan hệ, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí, năm 2016, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã vượt xa xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản. Trong 19 lĩnh vực doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn để đầu tư tại Việt Nam có công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng...Đại sứ  Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cho biết: "
Từ 1992, mối quan hệ kinh tế hầu như chưa có gì. Nhưng cho đến cuối 2016, kim ngạch thương mại đã lên đến hơn 42 tỷ USD. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 50 tỷ USD. Đó là sự phát triển nhanh".


Hiện Việt Nam cũng là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Các dự án ODA của Hàn Quốc đều nằm trong lĩnh vực ưu tiên cao của Việt Nam; triển khai đúng tiến độ; có mức giải ngân tăng đều qua các năm. Hiện hai bên đang trao đổi về việc ký Hiệp định tín dụng khung Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2020 mà theo đó, Hàn Quốc dự kiến cung cấp 1,5 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk đánh giá: "Yếu tố giúp quan hệ hai nước tăng trưởng mạnh mẽ như vậy là sự tác động rất lớn của cơ cấu kinh tế tương trợ lẫn nhau của hai nước. Đặc biệt, có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã từng đầu tư sang Trung Quốc đến nay đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Hơn hết, ở Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, phong phú, tay nghề cao và hết sức cần cù thì ở Hàn Quốc có vốn và công nghệ thuộc hàng đầu thế giới. Sự kết hợp nhuần nhuyễn điểm mạnh của mỗi nước như vậy đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển thành mối quan hệ vô cùng quan trọng, không thể thiếu của nhau".


Hiện nay 2 nước tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 được coi là sẽ tạo động lực mới góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020 theo thỏa thuận cấp cao hai nước năm 2013.


Xuất hiện làn sóng đầu tư mới từ doanh nghiệp Hàn Quốc


Nhìn lại xu thế đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trong 25 năm qua có thể thấy giai đoạn đầu, hoạt động đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực tập trung nhiều lao động. Đến những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyosung... đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Ví dụ, Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã đang vận hành hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, qua đó mỗi năm sản xuất 150 triệu điện thoại di động từ hai nhà máy này. Trên thực tế, Samsung, LG cũng như các doanh nghiệp toàn cầu khác đang rất nỗ lực để giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung cấp linh kiện, phụ tùng. Có thể thấy, làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực tập trung công nghệ ngày càng được mở rộng.


Theo ông Lee Hyuk: "Rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư thuận lợi nhất và làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. Tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam đừng chỉ nên tập trung tạo ra lợi nhuận đơn thuần mà hãy kinh doanh theo hướng hỗ trợ cho kinh tế của Việt Nam, đồng thời phải biết tạo ra lợi ích cho xã hội Việt Nam. Trên thực tế, đã và đang có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dù tôi là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhưng không luôn tâm niệm rằng mình phục vụ không chỉ vì Hàn Quốc mà còn vì cả Việt Nam".


25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một mốc quan trọng đối với Việt Nam - Hàn Quốc. Với việc quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên thành Đối tác hợp tác chiến lược,  Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực, hợp tác kinh tế Việt – Hàn thời gian tới sẽ tiếp tục thu được những thành quả ấn tượng, góp phần củng cố quan hệ ngoại giao thêm bền chặt.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác