Đoàn kết để phát huy sức mạnh dân tộc trong thời kỳ hội nhập

(VOV5) - Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết là việc làm thiết thực để nhân lên tinh thần đại đoàn kết, yếu tố kết nối, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam  trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Ngày hội Đại đoàn kết đã và đang được tổ chức nhiều nơi trong cả nước nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2013).

 

Đoàn kết để phát huy sức mạnh dân tộc trong thời kỳ hội nhập - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại thôn Trần Phú


Lần lượt trong những ngày qua, Ngày hội Đại đoàn kết diễn ra ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác trong cả nước. Trong ngày hội, đồng bào tổ chức biểu diễn văn nghệ quần chúng, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, trao đổi kinh nghiệm phát huy dân chủ ở cơ sở, biểu dương điển hình trong cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tinh thần ở khu dân cư”… Không chỉ có cư dân trên địa bàn và các thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội và Chính phủ cũng tham gia Ngày hội cùng đồng bào.

 

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc

“Đại đoàn kết toàn dân là yếu tố cốt lõi để tập hợp sức mạnh mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc và đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.” Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhân dân thành phố Hà Nội. Tại Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết sẽ tạo thành sức mạnh toàn dân tộc: Đại đoàn kết không chỉ nói trong một hộ, một thôn, mà nói trong cả nước, toàn dân tộc. Chúng ta rất vui mừng, phấn khởi phấn đấu để có được tinh thần đó, kế thừa lịch sử để có tinh thần đó. Mục đích cuối cùng là để xây dựng đời sống của nhân dân có cơm no, áo ấm, được học hành và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam sớm kết thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc và đã nêu ra “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công.


Bức tranh đại đoàn kết trong những năm đổi mới

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức gắn kết, kế thừa và tạo lập tinh thần đại đoàn kết toàn dân thông qua việc tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trên quy mô toàn quốc các cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc các cấp còn cùng các cấp uỷ Đảng, Chính quyền triển khai thực hiện sâu rộng Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', trong đó chú trọng vận động quần chúng nhân dân học và làm theo tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ các hoạt động đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào các cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn như bầu cử Quốc hội, thực hiện Nghị quyết TW 4 về các biện pháp cấp bách trong xây dựng Đảng…

 

Đại đoàn kết gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở

Từ những thành công trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng yếu tố làm nên thành công của mỗi phong trào đại đoàn kết từ cơ sở chính là do các cấp ủy Đảng và chính quyền, cán bộ, đảng viên đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó là nêu cao vai trò chủ động, tích cực của người dân, người dân được bàn bạc, giám sát và quyết định những vấn đề của khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh: Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự lãnh đạo chặt chẽ, sâu sát của cấp ủy, sự phối hợp thường xuyên có trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đồng thời mỗi vấn đề khi phát sinh mà người ta có ý kiến là phải được xem xét giải quyết kịp thời không thể để từ việc nhỏ ra việc lớn. Một khi giải quyết thấu đáo những vấn đề người dân yêu cầu thì chắc chắn dân chủ sẽ được phát huy tốt hơn.

 

Thực tế cho thấy xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân phải bắt nguồn từ cộng đồng dân cư. Mỗi phong trào tốt từ cơ sở là động lực quan trọng trong triển khai thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Trong Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân từ mỗi cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Mỗi cộng đồng có nhiều hộ gia đình tốt thì khu dân cư tốt. Nhiều khu dân cư tốt thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác