Lại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

(VOV5) - CHDCND Triều Tiên hôm 23/6 tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan một ngày trước đó và cho rằng chúng có thể tấn công lực lượng Mỹ, đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Vụ việc một lần nữa dấy lên những căng thẳng trong khu vực, đẩy mọi nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vào bế tắc.

Lại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Tên lửa tầm trung Musudan xuất hiện trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Nguồn: AFP)


Hai vụ phóng được thực hiện từ thành phố cảng Wonsan. Vụ phóng đầu lúc 5h58' (giờ địa phương) không thành công. Hai giờ sau, lúc 8h05', tên lửa thứ hai được phóng đi, bay được 150km. Tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng đi là tên lửa Musudan, ước tính có tầm bắn xa đến 3.000 km, đủ xa để vươn đến vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. CHDCND Triều Tiên được cho là sở hữu hàng chục tên lửa Musudan. Vụ phóng tên lửa lần này đánh dấu lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay của Bình Nhưỡng.


Tiếp diễn căng thẳng


Trong khi Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un ca ngợi vụ thử tên lửa kép hôm 22/6 là “sự kiện lớn” tăng cường khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì Mỹ và các đồng minh khu vực lại không đánh giá cao các vụ phóng này. Bộ Ngoại giao Mỹ kịch liệt phản đối hai vụ phóng tên lửa, cho rằng CHDCND Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, theo đó cấm Bình Nhưỡng sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đặt quân đội trong tình trạng báo động và chỉ trích hai vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ làm gia tăng nỗ lực toàn cầu chống lại chương trình vũ khí của Triều Tiên.


Động thái trên diễn ra giữa lúc CHDCND Triều Tiên vẫn đang chịu sự tác động của lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc về việc phát triển vũ khí hạt nhân, sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Đợt thử tên lửa còn cho thấy lệnh trừng phạt quốc tế đến nay vẫn không ảnh hưởng đến khả năng mua vật liệu và công nghệ cần thiết để sản xuất vũ khí của Triều Tiên. Tại Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á lần thứ 26 diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 22/6, các đặc phái viên Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Mỹ thúc giục nước này ngừng ngay các vụ thử tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh rằng việc làm của chính quyền Bình Nhưỡng càng khiến cho cộng đồng quốc tế thúc đẩy cấm vận lên nước này. Tuy nhiên, đáp lại, đặc phái viên CHDCND Triều Tiên tại Đối thoại này lên tiếng bảo vệ chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không không bao giờ từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt trừ khi “toàn thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Đại diện Triều Tiên cũng cho rằng cuộc đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “đã chết”.


Đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bế tắc


Tính từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiền đã liên tiếp phóng tên lửa, đặc biệt quan tâm đến loại tên lửa Musudan, vũ khí có tầm bắn 3.000-5.500km. Trong tháng 5, nước này thực hiện vụ thử Musudan lần 4 nhưng tên lửa phát nổ ngay khi rời bệ phóng. Cuối tháng 4, vụ thử kép 2 tên lửa Musudan cũng thất bại. Trước đó, vào dịp kỷ niệm sinh nhật người sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung, CHDCND Triều Tiên thử tên lửa nhưng không thành công.


Theo giới phân tích, việc Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ khả năng gặp nhiều thách thức về tài chính. Chính quyền Kim Jong-un vừa chịu thêm các đòn trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, vốn có mục đích ngăn nước này tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Tổ hợp công nghiệp Kaesong chung của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thì bị phía Seoul đóng cửa. Và phóng tên lửa dường như là biện pháp nhằm thu hút sự chú ý trở lại của cộng đồng quốc tế mà Bình Nhưỡng lựa chọn. Cũng theo nhận định của giới quan sát, phát triển tên lửa đồng nghĩa phát triển với vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân mang lại cho chính quyền Bình Nhưỡng sức mạnh thương lượng với phần còn lại của thế giới.


Cho đến lúc này, dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Dường như các biện pháp này không đủ sức làm tê liệt ý định phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản muốn thúc đẩy các biện pháp mạnh tay hơn nhằm hạn chế hoạt động tài chính và nguồn lực của CHDCND Triều Tiên. Trong khi Nga và Trung Quốc muốn tìm kiếm một sự dàn xếp nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga ủng hộ quan điểm các lệnh trừng phạt không thể giải quyết về căn bản vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà các bên cần trở lại quỹ đạo đàm phán và đối thoại. Tuy nhiên, thực tế là đàm phán và đối thoại từ nhiều năm nay cũng không mang lại kết quả mong muốn.


Từ tình hình hiện nay, dường như rất khó để hy vọng vào một giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác