Quan hệ Đức – Hy Lạp: những thách thức hiện hữu

(VOV5)- Những căng thẳng giữa 2 nước Đức và Hy Lạp liên quan tới khó khăn tài chính tại Hy Lạp đang đặt Liên minh châu Âu đứng trước nhiều thách thức.


Ngày 23/3, trong khuôn khổ chuyến thăm Đức lần đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel về cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của Hy Lạp cũng như việc thúc đẩy quan hệ song phương. Trái ngược với những tuyên bố mang tính ngoại giao của 2 người đứng đầu Chính phủ tại buổi họp báo sau cuộc gặp, dư luận không khó để nhận thấy rào cản lớn còn tồn tại giữa 2 bên nói riêng và nhìn rộng ra là giữa Hy Lạp với Liên minh châu Âu nói chung.



Một ngày trước chuyến thăm Đức lần đầu tiên của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ngày 22/3, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias tới Berlin, thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier. Phát biểu sau cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Steinmeier khẳng định Đức và Hy Lạp sẽ không để các vấn đề cần phải giải quyết ở cấp độ châu Âu làm ảnh hưởng tới nền tảng tốt đẹp của mối quan hệ song phương. Hai bên cũng quyết tâm thúc đẩy tiềm năng hợp tác to lớn giữa Đức và Hy Lạp cũng như tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau. 

Quan hệ Đức – Hy Lạp: những thách thức hiện hữu  - ảnh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải)  (ảnh: Getty)

Những tuyên bố mang tính ngoại giao
Tại buổi họp báo chung ngày 23/3, sau cuộc hội đàm kéo dài một giờ giữa 2 Thủ tướng, dư luận không thấy 2 bên công bố đường hướng hợp tác cụ thể mang tầm vĩ mô trong giai đoạn tới. Thủ tướng Đức Merkel chỉ nhấn mạnh chung chung về tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị và gần gũi giữa hai nước; khẳng định mong muốn hợp tác giữa Đức và Hy Lạp dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Đáp từ, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm đối với việc tăng cường hiểu biết giữa chính phủ hai nước, đồng thời khẳng định đối thoại là biện pháp duy nhất để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay.


Kết quả này không khiến dư luận ngạc nhiên vì ngay trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh báo Hy Lạp chớ kỳ vọng quá nhiều vào chuyến thăm Đức của Thủ tướng Alexis Tsipras. Bà khẳng định rằng cuộc gặp song phương này không thể thay thế cho thỏa thuận đã được các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí, bao gồm các điều kiện để kéo dài thêm 4 tháng gói hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp.


Trước đó, dư luận hẳn vẫn chưa quên quan hệ giữa Đức và Hy Lạp xuất hiện những căng thẳng sau khi đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras giành chiến thắng và lập liên minh cầm quyền ở Hy Lạp sau cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras liên tục có những bước đi khiến các đối tác châu Âu lo ngại. Đó là tuyên bố chấm dứt các chương trình thắt lưng buộc bụng hà khắc mà Đức được biết đến như kiến trúc sư trưởng, để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế. Tiếp sau đó là thái độ thân thiện với Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và châu Âu đang trong giai đoạn căng thẳng. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis thậm chí còn thách thức người Đức khi tuyên bố Hy Lạp có thể tuyên bố phá sản như Argentina từng làm. 


Bất đồng gia tăng
Trước đông đảo quan chức 2 nước và truyền thông quốc tế tại buổi họp báo ngày 23/3, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras thẳng thắn khẳng định chương trình cứu trợ cho Hy Lạp được thực hiện 5 năm qua, với sự ủng hộ của chính giới Đức, chưa mang lại thành công, thậm chí còn có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hy Lạp. Theo đó, Hy lạp đã mất 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tỷ lệ thất nghiệp cao (lên tới 60% ở lứa tuổi thanh niên); nợ công tăng mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm sút. 


Bất chấp tuyên bố của người đồng cấp Hy Lạp, Đức vẫn thể hiện sự cứng rắn của mình khi Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh tại buổi họp báo rằng Berlin sẽ tiếp tục hối thúc Hy Lạp tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới tăng trưởng và giải quyết nạn thất nghiệp ở mức cao, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên. Ngoài ra, Athens cũng cần tiến hành cải cách cấu trúc, có chính sách ngân sách bền vững và một chính quyền vận hành tốt. Trước đó, bà Angela Merkel cũng từng tuyên bố rõ mục tiêu chính trị của Đức là giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro song Hy Lạp cần phải tôn trọng các  cam kết trước đó.  Nhà chính trị Đức cũng yêu cầu Hy Lạp lập tức đưa ra những đề xuất cải cách cụ thể cũng như sẵn sàng tự giải quyết những vấn đề mà nước này đang phải đối mặt để có thể nhận được gói cứu trợ mới.


Trước chuyến thăm tới Đức của ông Tsipras, những chi tiết trong gói đề xuất cải cách của Hy Lạp để tránh nguy cơ phá sản nền kinh tế trong vài ngày tới, được báo chí Đức tiết lộ như dự định tăng thuế, tiến hành hoạt động tư nhân hóa, truy thu tiền trốn thuế, nâng độ tuổi về hưu. Tuy nhiên, những giải pháp trên dường như chưa đủ khi Berlin và hầu hết các nước trong EU mong muốn Hy Lạp phải quay lại "lộ trình" khắc khổ với các chính sách của chính phủ tiền nhiệm để cứu vãn nền kinh tế. Đây là những vấn đề khó đối với Chính phủ mới của Athens bởi họ không dễ đi ngược lại lời hứa trước cử tri. Xem ra, nhiều khó khăn vẫn đang chờ đợi ở phía trước để thử thách quan hệ giữa Đức và Hy Lạp./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác